Hồi ký của nhà báo qua “Thời gian và nhân chứng”

Thứ Ba, 03/10/2023, 06:20

Nhằm tôn vinh các nhà báo đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa xuất bản lần thứ hai bộ sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) do Giáo sư Hà Minh Đức làm chủ biên.

Bộ sách là kết quả sự tâm huyết của Giáo sư Hà Minh Đức và các cộng sự trong suốt hơn 10 năm, ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, những kỷ niệm đáng nhớ của hơn 40 nhà báo tên tuổi trong báo giới Việt Nam.

Bộ sách “Thời gian và nhân chứng” gồm 3 tập, với hơn 40 bài viết, tập trung khắc họa chân dung các nhà báo gạo cội, thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam. 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tập I gồm những hồi ký, hồi ức ghi lại những kinh nghiệm làm báo của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường.

Tập II gồm hồi ký, hồi ức của 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ. Tập III gồm những hồi ký, hồi ức của 14 nhà báo: Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chính, Bảo Định Giang, Thái Duy, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Nguyễn Hồng Vinh.

3.jpg -0
Bộ sách “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) do Giáo sư Hà Minh Đức làm chủ biên.

Theo lời kể của Giáo sư Hà Minh Đức, khi bắt đầu giữ chức Trưởng khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông đã nghĩ đến việc khai thác hồi ký của các nhà báo lão thành, các nhà báo có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, có nhiều đóng góp cho báo chí cách mạng nước nhà. Bởi vì, ông nghĩ “những trang hồi ký của các anh, các chị sẽ là những bài học và kinh nghiệm bổ ích giúp cho việc nhận thức những chặng đường đã qua và đặc biệt cho việc đào tạo thế hệ các nhà báo trẻ”.

“Khi tôi lên ý tưởng viết hồi ký, một số nhà báo đã chia sẻ với tôi: Viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Viết xong rồi in ở đâu? Tôi đã tìm mọi cách trao niềm tin để các nhà báo có tiếng để lại trên đời những giá trị tốt đẹp, tất nhiên gia đình, nhiều mối quan hệ nhưng riêng về hoạt động báo chí hãy để lại kinh nghiệm”, Giáo sư Hà Minh Đức bộc bạch.

Là đơn vị “đỡ đầu” bộ sách này, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mong muốn bộ sách góp phần làm giàu thêm kho tàng lịch sử báo chí của nước ta, lan tỏa những giá trị quý báu của báo chí cách mạng đến đông đảo bạn đọc, tri ân những nhà báo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

“Được biên soạn công phu, nghiêm túc, giọng văn mộc mạc, đơn giản, những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Lật mở từ trang đầu đến trang cuối của bộ sách, độc giả sẽ cảm nhận thông điệp gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm”, PGS.TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.

Bộ sách “Thời gian và nhân chứng” do Giáo sư Hà Minh Đức chủ biên gồm 3 tập, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản lần đầu theo lối “cuốn chiếu”, xong bản thảo tập nào in tập ấy: Tập I (390 trang) năm 1994, tập II (526 trang) năm 1997 và tập III (685 trang) năm 2001. Nghĩa là phải mất cả chục năm trời, ông và các cộng sự của mình mới hoàn thành bộ sách. Tuy xuất bản “cuốn chiếu” trong gần chục năm nhưng cách tổ chức thực hiện sách cũng như yêu cầu về nội dung viết về từng tác giả đều thống nhất.

Đề cao giá trị của bộ sách quý này, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, theo thời gian từ khi bộ sách ra đời đến nay, đã hơn 20 năm trôi qua, và cùng với đó, hơn 20 nhà báo có tên trong bộ sách đã ra đi mãi mãi. Xong thật may mắn là những câu chuyện về nghề làm báo và người làm báo của họ đã không lặng lẽ đi vào quá vãng, mà vẫn được lưu giữ lại trong bộ sách này.

Sau khi đọc xong bộ sách này, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cảm nhận, bao trùm lên ông là lòng tự hào về nghề báo - một nghề đáng quý và tự hào. “Con đường đến với nghề báo của 43 nhà báo trong 3 tập sách này hoàn toàn không giống nhau, có người khi làm cách mạng được tổ chức phân công làm báo; có người đến với báo một cách ngẫu nhiên vì một vài bài viết ngẫu hứng được một tờ báo đăng, rồi từ đó say mê viết báo cả đời; có người do ý thức được nuôi dưỡng ngay từ khi vào học đại học đã ấp ủ ước muốn sau khi ra trường được làm báo, viết văn… Nhưng khi đã là nhà báo thực thụ, thì việc viết báo đã trở thành đòi hỏi tự thân giống như cơm ăn, nước uống và khí trời để thở hằng ngày. Tình yêu nghề báo, yêu từng con chữ, từng tít bài, từng sản phẩm báo chí đã trở thành máu thịt đời mình”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh khẳng định.

Trong bài viết “Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” (nằm ở tập III của bộ sách), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, là phương tiện giao tiếp hết sức cần thiết. Trong xã hội có giai cấp, báo chí thật sự là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần tuý mà nó còn có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp nhân dân”.

Cuối bài viết, Tổng Bí thư đã khái quát một điều hàm súc: “Bất cứ làm việc gì, nếu hiểu rõ công việc của mình, có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, ham học hỏi và có một phương pháp làm việc đúng thì chắc chắn sẽ thành công”.

Ngô Khiêm
.
.
.