Học giả Nguyễn Hiến Lê viết báo

Thứ Ba, 21/06/2022, 08:55

Được biết đến như một học giả, nhà văn với số lượng sách dịch, biên khảo đồ sộ, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng là một người viết báo siêng năng và uy tín.

Chúng ta đều biết Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) vốn là công chức ngành công chính của chính quyền bảo hộ Pháp. Tốt nghiệp Cao đẳng Công chính tại Hà Nội, ông được phân công vào làm việc ở miền Nam, chuyên đi đo đạc các sông ngòi ở khắp xứ. Đến năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông tản cư về Long Xuyên, chuyển sang nghề dạy học rồi từ năm 1952, chuyển lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề dịch sách, viết sách và xuất bản. Dù dành hết thời gian cho những cuốn sách của mình, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng có thời gian gắn bó rất lâu với báo chí, đặc biệt là các tạp chí, trong đó nổi bật là Bách Khoa – một tạp chí rất có uy tín với độc giả trí thức.

trang 8: Học giả Nguyễn Hiến Lê viết báo -0
Ngoài trên 120 đầu sách, học giả Nguyễn Hiến Lê còn để lại lượng tác phẩm báo chí đồ sộ.

Kể lại trong hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê cho biết, ông gắn bó với nghề báo bắt đầu từ mối giao tình với thi sĩ Bàng Bá Lân. Thi sĩ cùng tuổi với Nguyễn Hiến Lê, quê ở Phủ Lạng Thương, Bắc Giang; và cũng là đồng môn trường Bưởi như ông. Sau năm 1954, Bàng Bá Lân di cư vào Nam và làm báo Bông lúa, mỗi tháng ra một số “dày dăm bảy chục trang”. Bàng Bá Lân biết tiếng Nguyễn Hiến Lê do đọc cuốn “Luyện văn”, thấy trích dẫn mấy câu thơ của mình, sẵn nhà gần nhau nên sang thăm ông Lê và nhờ ông viết cho báo một vài bài.

“Nhân có một số tiểu luận và kịch bản đã dịch sẵn từ tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi vô tình đưa ông đăng, hoàn toàn là giúp ông”, Nguyễn Hiến Lê kể lại trong hồi ký. “Năm 1956, tờ đó đình bản, số cuối đăng trọn bản dịch kịch “Công ty Lạc sinh” của tôi. Tờ đó bán rất ít, gần như không ai biết”.

Với tờ Bách Khoa, học giả Nguyễn Hiến Lê cộng tác ngay từ những số đầu tiên, năm 1957. Theo lời ông kể lại, sau khi tạp chí ra được hai số, bà Phạm Thị Nhiệm, phu nhân nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo nhờ nhà văn Nguyễn Hữu Ngư (bút danh Ngu Í) dẫn tới gặp ông để đặt bài, vì ông Thảo lúc đó có chân trong toà soạn. Thấy bà Thảo nhã nhặn, có học thức, mà tạp chí đó bài vở cũng đứng đắn, nên ông Lê gửi ngay bài “Edgar Poe đã sáng tác bài thơ bất hủ The Raven (Con Quạ) ra sao?”. Bài đó được đăng ngay trong số 4 ra tháng 3/1957 (tạp chí ra mỗi tháng 2 kỳ).

Sau đó, Nguyễn Hiến Lê liên tiếp có các bài về văn học, bài “Tiếng Việt ngày nay”, “Vấn đề dịch văn”, “Phép dịch thơ”, cũng được toà soạn cho đăng ngay trên các số 5, 6, 7, 8. Từ đó, lâu lâu ông gửi báo thêm một bài về Nho giáo, về danh nhân hay về văn học. Ông đều đặn cộng tác với Bách Khoa đến tận tháng 5/1975. Học giả nhận xét: “Trong lịch sử báo chí của nước nhà, tờ Bách Khoa có một địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà sống được mười tám năm, từ năm 1957 đến 1975, bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị”. Tuy nhiên, chính học giả cũng nhận xét rằng tạp chí Bách Khoa không có ảnh hưởng lớn trong dân chúng như Nam Phong, Phong Hoá, Ngày Nay thời trước.

Nguyễn Hiến Lê kể rằng sau ngày giải phóng 1975, nhiều học giả miền Bắc cũng nhận định Bách Khoa là một tờ báo "nghiêm chỉnh", có lập trường đứng đắn, lí luận vững, ngôn ngữ đàng hoàng. Theo thống kê của Nguyễn Hiến Lê, ông và nhà văn Võ Phiến là hai người cộng tác với Bách Khoa đều nhất, lâu nhất. “Từ đầu tới cuối Bách Khoa ra được 426 số thì 242 số có bài của tôi, bài cuối đăng trên số 424 (ra trước ngày Sài Gòn giải phóng)”.

trang 8: Học giả Nguyễn Hiến Lê viết báo -0
Nguyễn Hiến Lê không chỉ là một học giả, dịch giả nổi tiếng mà còn là một người viết báo uy tín.

Là một người viết văn, dịch sách và viết sách chuyên nghiệp, Nguyễn Hiến Lê thừa nhận: “Sự hợp tác với các báo định kì rất có lợi cho tôi. Mới đầu tôi gửi đăng bài hay chương của tôi đã viết rồi mà chưa xuất bản, về văn học, triết học, gương danh nhân; đó là một cách tự giới thiệu trước với độc giả. Sau hoặc tự ý tôi, hoặc do toà soạn nhờ viết, do độc giả gợi ý, tôi mở rộng tầm hoạt động, viết về những vấn đề không có trong chương trình trứ tác của tôi”.

Trên tờ Bách Khoa, Nguyễn Hiến Lê thường xuyên viết bài giới thiệu và phê bình sách. Cuối năm, ông lại thường viết bài tổng kết về tình hình xuất bản trong năm, có khi đăng trên Bách Khoa, có khi đăng trên tờ Tin sách. Trên Bách Khoa, Nguyễn Hiến Lê tập trung viết về chính sách giáo dục trong nước, với nhiều bài phê phán Bộ Giáo dục của chế độ Sài Gòn. Bài nào lí luận cũng vững vàng, đưa ra những chứng cứ minh bạch và một vài đề nghị xây dựng; giọng tuy nghiêm nhưng bình tĩnh, được độc giả trong giáo giới, nhất là phụ huynh học sinh khen là ý kiến xác đáng, có nhiệt tâm.

Ông cũng xác định hai loạt bài quan trọng nhất là “Cải tổ nền Giáo dục Việt Nam” (đăng liên tiếp trên năm số Bách Khoa năm 1962) mà sau ngày giải phóng, được một số nhà giáo ở Hà Nội khen là đề nghị hợp lí. Bài “Nguy cơ xuất não” (đăng trên ba số Bách Khoa năm 1972) bàn về biện pháp để khuyến khích các sinh viên du học ngoại quốc về giúp nước. Đặc biệt, trong loạt bài đăng trên Bách Khoa (1961), Tin Văn (1966), ông đả kích kịch liệt Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Viện Đại học Sài Gòn không chịu dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học. Những bài đó viết vào hồi tựu trường liên tiếp trong mấy năm làm cho một số giáo sư đại học ghét ông nhưng không thể phản bác được vì lí luận của ông quá vững. “Trong đời viết văn, chưa bao giờ ngọn bút của tôi sắc bén như vậy”, học giả kể lại.

Vì Nguyễn Hiến Lê cộng tác thường xuyên với Bách Khoa từ đầu đến cuối, nên nhiều người tưởng ông là nhân viên trong tòa soạn, trong khi ông chỉ là cộng tác viên tự do.

trang 8: Học giả Nguyễn Hiến Lê viết báo -0

Cùng với một nửa số cây viết của Bách Khoa, từ năm 1960, Nguyễn Hiến Lê cũng tham gia viết giúp tạp chí Mai của ông Huỳnh Minh Tuynh, nguyên Chủ bút tạp chí Bách Khoa. Trong thời gian báo Mai tồn tại hai năm rưỡi, ra được 41 số thì ông Lê viết tới 24 bài, đa phần cũng về việc cải tổ giáo dục. Đến năm 1965, ông Lê nhận viết thêm cho tuần báo Tin Văn của ông Nguyễn Ngọc Lương, một nhân viên của Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn, vì thấy tờ báo có chủ trương tiến bộ, thiên tả nhưng vừa phải, kín đáo. Mãi sau ngày Sài Gòn giải phóng, ông Lê mới biết ông Lương là cán bộ nằm vùng của Mặt trận.

Tuy viết chỉ khoảng 10 bài cho tờ Tin Văn, nhưng bài nào Nguyễn Hiến Lê cũng viết kĩ và hầu hết bàn về vấn đề văn hóa, văn chương. Các bài “Bút pháp và cá tính”, “Văn chương và dân tộc tính” in trên Tân Văn năm 1968 được nhà văn Trần Thiện Đạo ở Pháp khen là tiếng nói của lương thức, “của một học giả có thẩm quyền”. Nhưng bài độc giả thích nhất, cho là có giọng bút chiến sắc bén là bài “Đả phá dễ hay xây dựng dễ” đăng ngày 15/9/1966. Trong bài đó nhân một câu của Tổng giám đốc Vô tuyến truyền hình Sài Gòn mà kịch liệt đả kích chính sách văn hóa của chính quyền miền Nam. Theo ông Lê, bài đó có tiếng vang ngang với bài “Bọn cầm bút chúng ta làm được những gì lúc này” đăng trên Bách Khoa ngày 1/12/1967 của ông.

Ngoài ba tờ báo kể trên, Nguyễn Hiến Lê còn cộng tác thêm một vài với các tạp chí Văn và Tân Văn, Phù Đổng Thiên Vương (do kịch sĩ Kim Cương làm Chủ nhiệm), đều là các bài về văn học, điểm sách. Dù chỉ góp bài khi được “khẩn khoản yêu cầu”, nhưng ông luôn giữ đúng phương châm làm việc của mình: “Đã nhận lời viết cho báo nào thì luôn luôn tôi viết kỹ và giao bài trước ngày hạn, không để họ phải nhắc”. Ông cũng khẳng định: “Trước sau tôi chỉ bỏ độ một phần mười thì giờ viết của tôi vào các bài báo, nhưng đã để hết tâm tư vào công việc đó, coi trọng nó cũng như việc biên khảo, dịch thuật, nên được nhiều cảm tình của độc giả và bạn văn. Danh và uy tín của tôi nhờ vậy tăng lên và trong những năm 1965-1974 có vài tờ báo lại phỏng vấn tôi như tờ Khởi hành, tờ Thời Tập; và một số nhà văn tư tưởng và chủ trương hoàn toàn khác tôi cũng làm quen với tôi, tặng tôi tác phẩm, không kể nhiều nhà giáo quý tôi, nhiều sinh viên trọng tôi như thầy học”.

Lê Tiên Long
.
.
.