Họa sĩ lão thành Ngọc Linh kể chuyện thiết kế mỹ thuật phim "Vợ chồng A Phủ"
Nhiều câu chuyện thú vị quanh thiết kế mỹ thuật phim “Vợ chồng A Phủ” và hậu trường làm phim giai đoạn đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã được họa sĩ Ngọc Linh chia sẻ trong buổi giao lưu chủ đề “Thiết kế mỹ thuật phim – Góc nhìn từ bộ phim Vợ chồng A Phủ”.
Đây là sự kiện do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và Hội Những người bạn di sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, vào dịp kỷ niệm sinh nhật tuổi 92 của họa sĩ Ngọc Linh (30/10/1930 – 30/10/2022).
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, họa sĩ Ngọc Linh là người thiết kế mỹ thuật rất nhiều tác phẩm sân khấu và khoảng 25 bộ phim, trong đó nhiều phim nổi tiếng của giai đoạn đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông, Sao tháng Tám, Vợ chồng A Phủ… Ông đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhiều tư liệu quý trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, trong đó có tấm pano phim “Vợ chồng A Phủ”. Cùng với hoạt động giao lưu, Ban tổ chức còn chiếu lại nhiều trích đoạn của bộ phim nổi tiếng này.
Trong không khí gần gũi và thân mật, họa sĩ Ngọc Linh đưa người tham dự đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về thế giới của điện ảnh, mỹ thuật và hội họa. Khán giả như được sống cùng ký ức của những năm tháng gian khó mà tươi đẹp của hoạ sĩ những ngày đầu bước chân vào hội họa khi tham gia lớp Mỹ thuật kháng chiến dưới sự chỉ dẫn của những cây đại thụ hội họa nước nhà như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Và cho tới những năm tháng đầy thử thách khi bước chân vào nghề thiết kế mỹ thuật phim tại xưởng phim truyện Việt Nam năm 1954…
Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi họa sĩ Ngọc Linh tiết lộ, không gian, phục trang hay đạo cụ trong phim “Vợ chồng A Phủ” được hoàn toàn sáng tác dựa trên trí tưởng tượng và tinh thần lao động sáng tạo không biết mệt mỏi của họa sĩ trong suốt hơn hai năm.
Ông chia sẻ: “Khi nhận được kịch bản từ nhà văn Tô Hoài, tôi dành nửa năm nghiên cứu, trong đó có 2 tháng đi thực địa tại miền núi để tìm hiểu về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Do điều kiện làm phim thời kỳ đầu vô cùng eo hẹp, tôi phải dựng toàn bộ không gian ngoại cảnh Tây Bắc tại Sơn Tây, bấy giờ là ngoại thành Hà Nội; còn nội cảnh được dựng toàn bộ trong khuôn viên xưởng phim truyện tại số 4, Thụy Khê. Kinh phí hạn chế, toàn bộ đạo cụ được cắt dựng bằng giấy, từ những bình hoa hay chiếc cối xay gạo trong nhà, tới rừng hoa đào rực rỡ hay căn nhà dài 25m của thống lý Pá Tra…”.
Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, họa sĩ lão thành như sống lại những ký ức làm nghề một thời gian khó mà tâm huyết. Người nghe như được truyền thêm nguồn năng lượng tươi mới và đầy cảm hứng về tinh thần sáng tạo và vượt khó của một thế hệ họa sĩ – nghệ sĩ trong buổi đầu của Điện ảnh Cách mạng.
Buổi trò chuyện khép lại trong ánh nến và không khí vui tươi mừng sinh nhật họa sĩ bước sang tuổi 92.
Dự kiến, “chân dung” họa sĩ Ngọc Linh và gia đình đặc biệt của ông gồm nhiều người cùng theo đuổi hoạt động nghệ thuật gắn với những tài liệu lưu trữ đã được trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ tiếp tục được họa sĩ lão thành tiết lộ trong một chương trình khác vào đầu năm 2023.