Hài kịch “Quan thanh tra": Châm biếm quan tham, lên án tham ô, tham nhũng
Trong gần 2h đồng hồ, người xem vở hài kịch “Quan thanh tra” – tác phẩm mới nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt khán giả vào tối 3/10 – khó rời mắt khỏi sân khấu. Sự hài lòng, tâm trạng đầy phấn chấn của số đông khán giả sau buổi biểu diễn này, không chỉ là niềm vui với các nghệ sĩ đã “cháy” hết mình trong đêm diễn mà còn là tín hiệu vui cho sân khấu nói chung trong thời điểm hiện tại.
Hài kịch kinh điển “Quan thanh tra”, ra đời từ năm 1836, kịch bản “Quan thanh tra” được N.V.Gogol, cây bút hàng đầu của Nga, viết theo gợi ý của đại thi hào Pushkin. Đây cũng là một trong những vở hài kịch kinh điển thế giới, từng được nhiều đơn vị nghệ thuật của Việt Nam dàn dựng. Tuy nhiên, trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam lần này, hài kịch “Quan thanh tra” vẫn đặc biệt hấp dẫn, đầy ắp tiếng cười.
Chuyện kịch lấy bối cảnh ở một thị trấn ở Nga nhưng những tấn hài kịch tràn ngập trong vở diễn, từng tình tiết trong tác phẩm đều khiến người xem nghĩ ngay đến những vấn đề của xã hội Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là tham ô tham nhũng, tha hóa biến chất của nhiều quan chức, công chức, thậm chí liên tưởng đến cả những “tư lệnh” của một số ngành nghề nhất định.
Thủ pháp nghệ thuật châm biếm được các nghệ sĩ phát huy tối đa trong màn diễn mở đầu. Dàn diễn viên nam đầy thực lực của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSƯT Trịnh Mai Nguyên (vai Thị trưởng), NSƯT Kiều Minh Hiếu (vai Kiểm học), NSƯT Lâm Tùng (vai Chánh án), nghệ sĩ Hồng Quang (vai Chủ sự Bưu vụ), nghệ sĩ Hồng Phúc (vai Viện trưởng Viện tế bần) đã khẳng định bản lĩnh diễn xuất cùng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc nhất qua từng cử chỉ, ánh mắt, giọng nói và sự chỉn chu trong từng câu thoại vốn đầy những ẩn ý.
Vai viên công chức đến từ Thủ đô – nhân vật khuấy đảo thị trấn nhỏ bé - do NSƯT Xuân Bắc thủ vai, xuất hiện sau, nhưng cũng có những màn diễn tưng bừng. Với vai diễn này, Xuân Bắc được đạo diễn – TS.Nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng dành cho khá nhiều đất diễn. Anh phát huy được tối đa sở trường của mình, khiến khán giả cười nghiêng ngả, đồng thời thể hiện thành công hình tượng công chức tha hóa, biến chất, từ một công chức thấp cổ bé bọng, sợ sệt đủ thứ nhưng sĩ diện hão, có chút trơ trẽn nhưng đã dần trở thành công chức lưu manh triệt để, sau nhiều lần anh ta được các quan chức chóp bu ở địa phương nhầm tưởng là quan thanh tra và ra sức nịnh nọt, đút lót.
Với bản dựng “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam lần này, TS.Nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng có nhiều sáng tạo thú vị. Bên cạnh đó, thiết kế sân khấu, âm nhạc cũng là những điểm sáng cần được ghi nhận, góp phần làm nên sức hấp dẫn của vở diễn.
Tuy nhiên, “Quan thanh tra” có một số điểm đáng tiếc ở nửa cuối vở diễn như màn tung hứng đôi khi quá đà, có phần tả thực trần trụi. Một số vai diễn phụ - những bà vợ của các quan tham và cảnh cuối của vở diễn, nếu được chăm chút kỹ lưỡng, chỉn chu hơn, chắc chắn “Quan thanh tra” sẽ còn thành công hơn nữa. Hy vọng, những chi tiết này sẽ được khắc phục ở các suất diễn tiếp theo.