Hà Nội bảo tồn nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ

Thứ Ba, 24/08/2021, 07:55

Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận nghề thủ công truyền thống quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là làng nghề duy nhất của cả nước làm nghề quỳ vàng bạc, vì vậy cùng với niềm tự hào, huyện Gia Lâm cũng như thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.

Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở làng Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy, ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ. Trong một lần ông đi sứ bên Trung Quốc, học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối… và trở về truyền dạy cho dân làng Kiêu Kỵ.

Hà Nội bảo tồn nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ -0

 Những sản phẩm dát vàng tại gia đình một nghệ nhân ở Kiêu Kỵ. Ảnh: TTXVN.

Từ đó, người dân nơi đây với bản tính cần cù, tay nghề khéo léo đã đi khắp nơi mang nghề của làng để nhận tô son, thếp vàng các đồ mỹ nghệ, tranh, tượng, ngai thờ, đồ gốm các loại. Đặc biệt, người làng Kiêu Kỵ còn sơn son, thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô. Tiếng lành đồn xa, dần dần khắp nơi trong cả nước đều mời thợ Kiêu Kỵ đến làm.

Ngày nay, nhiều công trình kiến trúc lớn, nhiều di sản quý đều có bàn tay người Kiêu Kỵ trang trí, thếp vàng, thếp bạc nội thất. Có thể kể tới công trình Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, một số công trình kiến trúc ở Huế, Hội An, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa chiền ở thành phố Hồ Chí Minh, Miếu Bà Chúa xứ tỉnh An Giang, nhiều khách sạn lớn trong cả nước… đều có bàn tay của người thợ Kiêu Kỵ.

Để có những miếng vàng bạc quỳ, người thợ Kiêu Kỵ phải trải qua 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ. Từ những miếng vàng, bạc thật, người ta đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1 cm2, sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm làm từ giấy dó, được người Kiêu Kỵ “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc). Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá có một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Một thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2.

Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế.

Theo nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, trước đây Kiêu Kỵ có vài ba trăm hộ làm nghề, nay cả làng chỉ còn hơn 30 hộ làm nghề với 300 – 600 lao động. Sở dĩ vậy là do khâu tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, tập trung nhiều ở Sơn Đồng – Hoài Đức, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Cát Đằng – Nam Định… một số làm quà tặng cho khách nước ngoài. Hơn nữa, đặc trưng của sản phẩm này là tiêu thụ chậm, vốn cao, nên chủ yếu dân Kiêu Kỵ nhận làm gia công các công trình, sản phẩm và phụ thuộc vào khách hàng.

Trân trọng nghề truyền thống của cha ông để lại, người làng Kiêu Kỵ luôn ý thức bảo tồn, phát triển nghề. Nhà thờ tổ nghề được mọi người đóng góp tu bổ, tôn tạo để tri ân bậc khai sinh ra nghề dát vàng, bạc quỳ. Bên cạnh đó, người dân Kiêu Kỵ còn tự đóng góp và thực hiện xã hội hóa để xây nhà trưng bày sản phẩm truyền thống và khu thực hành nghề. Để giữ nghề truyền thống lâu bền, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề luôn tích cực trao truyền nghề cho thế hệ trẻ thông qua các buổi học và các lớp dạy nghề.

Đinh Thuận
.
.
.