Giải pháp nào để đưa di sản tư liệu tới giới trẻ?
Tài liệu lưu trữ là di sản quý của dân tộc và cần phải tích cực phát huy được giá trị khối di sản này, đặc biệt cần hướng tới công chúng trẻ . Đây là khẳng định của nhiều đại biểu tại Tọa đàm “Di sản với giới trẻ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 27/12.
Theo TS Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, với lĩnh vực lịch sử, ngành lưu trữ, các tài liệu lưu trữ - di sản tư liệu đặc biệt quan trọng. Trong cách tiếp cận với giáo dục lịch sử hiện nay, văn bản gốc đóng vai trò quyết định và vai trò trọng tâm. Trước kia, học trò học lịch sử thường phải gắn với nhận định của các nhà sử học. Bây giờ, tư liệu đưa vào chương trình giáo dục là tài liệu gốc, văn bản gốc, văn bia… Học trò nghiên cứu, làm việc dựa trên các văn bản đó. Việc kiểm tra đánh giá dựa trên cơ sở học trò đọc các văn bản gốc chứ không đơn thuần là nhớ các nhận định của thầy cô giáo, của các nhà sử học. Việc mở cửa các trung tâm lưu trữ, cho phép tiếp cận, khai thác rộng rãi tài liệu lưu trữ là thuận lợi rất lớn với giáo dục lịch sử.
Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty cổ phần sách Omega plus cũng chỉ ra rằng, lâu nay quá khứ vẫn được đóng băng trong lưu trữ. Có rất nhiều hình thức để khai thác, phát huy khối di sản này. Để tiếp cận công chúng, các bạn trẻ, điều quan trọng là cuốn sách, ấn phẩm phải có cách kể chuyện hấp dẫn, dựa trên hệ thống tư liệu, không hạ thấp tầm quan trọng của tư liệu, thông tin liên quan đến những người sống trong môi trường,vùng đất, dân tộc của họ, thậm chí liên quan đến chính bản thân họ. Bà Phương cũng cho rằng, đề làm được điều này, những người làm xuất bản và người làm lưu trữ phải lựa chọn được tư liệu từ kho nguồn để giới thiệu, kết nối được với đời sống hiện tại. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam đang thiếu những người biết cách kể chuyện, đưa các nhân tố học thuật ra với đại chúng...
Về vấn đề này, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã có rất nhiều hoạt động để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ vào đời sống. Thông qua nhiều hoạt động công bố, triển lãm, xuất bản, giá trị tài liệu được lan tỏa trong cộng đồng. Người làm nghiên cứu, các kiến trúc sư tìm đến Trung tâm ngày càng nhiều hơn, nhất là khi họ tìm hiểu các tài liệu gốc khi thực hiện các dự án về các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc… Bà Mai Hương cũng khẳng định, từ tài liệu lưu trữ, chúng ta chứng minh được rất nhiều điều trong cuộc sống, từ văn hóa, lịch sử, chủ quyền đất nước… Những người làm lưu trữ đang tích cực truyền tải những tài liệu lưu trữ và luôn mong muốn sẽ có sự phối hợp của nhiều tổ chức, cá nhân để cùng nhau phát huy giá trị khối di sản này, nhất là hướng đến đối tượng công chúng trẻ.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cũng cho biết, cùng với sự đa dạng trong phương thức công bố tài liệu, di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung, trong đó có giới trẻ tiếp cận nhiều hơn. Việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, phát huy giá trị di sản nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp. Điều đó đặt nhiệm vụ lớn lao cho những người có trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Theo ông Tùng, chúng ta đang xây dựng Luật Lưu trữ sửa đổi. Việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng, sửa đổi Luật Lưu trữ sẽ góp phần gợi mở thêm nhiều giải pháp, định hướng hợp tác để nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu.