Giải pháp khơi thông nguồn lực, phát triển văn hóa bền vững

Thứ Sáu, 29/09/2023, 06:59

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, thực tiễn đã cho thấy có rất nhiều vấn đề bất cập trong phát triển văn hóa, nhất là khơi thông nguồn lực để phát triển văn hóa. Đây là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn" do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.

Tăng đầu tư nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm và có cơ chế giám sát

Trao đổi quanh vấn đề khơi thông nguồn lực, hoàn thiện chính sách để phát triển văn hóa bền vững, Thạc sĩ Hoàng Hà, quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật khẳng định: Lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo và coi trọng. Cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.

Giải pháp khơi thông nguồn lực, phát triển văn hóa bền vững -0
Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới hấp dẫn khách du lịch.

Đây là chỉ tiêu mà ngành Văn hóa đã từng đề xuất với Trung ương, Quốc hội từ lâu. 21 năm trước, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, Tư lệnh ngành Văn hóa, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị đã đặt vấn đề về đầu tư cho văn hóa là quá thấp, không hợp lý (tại thời điểm đó, ngân sách cho lĩnh vực văn hóa - thông tin là chưa đến 1% ngân sách), đồng thời nhấn mạnh những đặc thù của lĩnh vực văn hóa, cần có sự quan tâm đầu tư về di tích lịch sử và cách mạng, các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, nhà hát, bảo tàng, thư viện… để tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa đã có những tín hiệu khả quan hơn nhưng vẫn chưa đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngay tại Hà Nội, hầu như chúng ta vẫn chưa có những công trình văn hóa mới tương xứng với tầm vóc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, ngoại trừ Nhà hát Hồ Gươm do Bộ Công an và UBND TP Hà Nội xây dựng. Tại các địa phương, các thiết chế văn hóa, thể thao đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội cũng như nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn.

Nhấn mạnh sự cần thiết và phải có sự tính toán, tầm nhìn về văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có các thiết chế, công trình văn hóa, ông Hoàng Hà cũng cho rằng, khi triển khai các dự án về văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, trong đó cần chú ý đến đặc thù vùng miền, địa bàn dân cư, phong tục, tập quán, đồng bộ giữa cơ sở vật chất và con người vận hành...

Trong đầu tư xây dựng, tu bổ nhất là với các công trình lớn hoặc nhạy cảm (di tích lịch sử văn hóa), cơ quan chức năng cần đánh giá đúng nhu cầu hưởng thụ của người dân, tăng cường các phương thức để công khai minh bạch dự án, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và nhân dân để tiếp thu, tạo sự đồng thuận và cần thiết có những cơ chế giám sát chặt chẽ hữu hiệu các dự án, để tránh lãng phí, thất thoát.

Cùng với đầu tư thỏa đáng nguồn lực, Nhà nước cũng cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, cụ thể là ưu đãi trong chính sách thuế cho văn hóa. Theo Luật Đầu tư (2020), văn hóa là một trong những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư, tuy nhiên chỉ giới hạn trong lĩnh vực chuyên ngành "bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa", trong khi đó, văn hóa là lĩnh vực rộng với 9 chuyên ngành. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định các khoản chi tài trợ của doanh nghiệp cho lĩnh vực văn hóa được hạch toán vào thuế thu nhập. Quy định hiện nay chỉ điều chỉnh các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho một số lĩnh vực: giáo dục, y tế… nên chưa khuyến khích nhiều doanh nghiệp tài trợ cho lĩnh vực văn hóa.

Phát huy vai trò của cộng đồng, phối hợp công - tư để khơi thông nguồn lực

Soi chiếu riêng về lĩnh vực di sản, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho rằng, chính sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn hạn chế  so với những lĩnh vực khác. Đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, cho tu bổ di tích, cho bảo quản hiện vật… từ nguồn ngân sách nhà nước thấp trong khi nguồn kinh phí xã hội hóa chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới.

Ông Quân cũng kiến nghị, nên tinh hoa hóa di sản để bảo tồn, tăng thêm trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu di sản văn hóa trong việc đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng cơ chế phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan tới nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề hồi hương cổ vật, nên sớm có một quỹ hồi hương cổ vật; cần quan tâm đến mối quan hệ giữa di sản vật thể với sự phát triển trong tương lai của mỗi địa phương, có cảnh quan văn hóa xung quanh các di sản trong quy hoạch; cần thành lập tổ chức và giao trực tiếp quản lý di sản, trong đó  đặc biệt quan tâm di sản thế giới, di sản lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và cần quan tâm hơn nữa với các di sản biển, đảo của đất nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho văn hóa, nhất là khai thông nguồn lực xã hội cho văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất áp dụng mô hình "Đầu tư công - quản trị tư".

Theo ông Sơn, áp dụng mô hình này trong lĩnh vực văn hóa sẽ mang lại một loạt lợi ích quan trọng bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công cộng và khả năng quản lý, linh hoạt của các tổ chức và cá nhân trong việc phát triển và duy trì các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này, chúng ta cần lường trước một số tiêu cực để điều chỉnh phù hợp. Đó là nguy cơ mai một tính đa dạng văn hóa, tạo sự bất bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Việc tập trung cả nguồn lực (nhất là tài chính) công và tư nhân có thể dẫn đến sự ưu ái về các dự án và hoạt động văn hóa có tính thương mại cao, bỏ qua những dự án nhỏ hơn hoặc có giá trị văn hóa cao mà khó thu hút được nguồn tài trợ. Các tổ chức văn hóa nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc thu hút tài trợ tư nhân, dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển.

Mô hình này có thể đặt áp lực về giá trị thương mại của các hoạt động văn hóa, dẫn đến sự tập trung vào khía cạnh kinh tế thay vì giá trị văn hóa và xã hội và có thể tạo ra sự không đồng đều trong việc phân phối nguồn tài trợ văn hóa giữa các khu vực và cộng đồng, gây ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và tham gia vào các hoạt động văn hóa.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ mô hình tài trợ hoàn toàn từ ngân sách công sang kết hợp cả nguồn tài chính tư nhân có thể đòi hỏi sự thay đổi trong hướng dẫn, quản lý và giám sát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nên cần sự tập trung và cập nhật để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Hoa Nguyễn
.
.
.