"Đường về miền nhớ": Khắc họa hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ trên sân khấu Kịch CAND

Thứ Hai, 09/10/2023, 04:57

Khai thác câu chuyện cũ và kịch bản cũng cũ với tên gọi cũ là "Người không cô đơn" của tác giả Bùi Vũ Minh nhưng "Đường về miền nhớ" - tác phẩm mới nhất của Nhà hát Kịch CAND về người lính - có nhiều yếu tố mới mẻ, bất ngờ và xúc động về tình người, là bài ca về tình đồng chí, đồng đội.

Tác phẩm đồng thời gợi mở nhiều vấn đề của xã hội thời hậu chiến, cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh và cả những mất mát do chiến tranh vẫn lặng sâu, đằng đẵng trong từng phận người - những cái giá rất lớn mà thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng máu xương để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Đây là cảm nhận chung của nhiều người xem trong buổi tổng duyệt vở kịch "Đường về miền nhớ" vào tối 7/10, tại Hà Nội.

duong ve mienh nho 2.jpg -0
Vở kịch “Đường về miền nhớ” có sự tham gia diễn xuất của nhiều diễn viên trẻ và một số diễn viên giàu kinh nghiệm của Nhà hát Kịch CAND.

Nhà viết kịch Bùi Vũ Minh cho biết, chuyện kịch "Người không cô đơn" dựa trên một câu chuyện có thật, xảy ra ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Có một người điên lang thang đến chợ, sống nhờ sự giúp đỡ của người trong chợ, ai nhờ gì cũng giúp. Buổi tối, anh thu dọn sạch sẽ sạp hàng, làm chỗ ngủ qua đêm. Sau đó, anh được một gia đình thương tình, đưa về nuôi.

Qua nết sinh hoạt, họ đoán người điên lang thang có thể là bộ đội, bị thương và mất trí nhớ, nên đã tìm mọi cách giúp anh tìm về với người thân. Từ những thông tin rời rạc, chắp vá, thu lượm được trong quá trình giao tiếp, những khoảnh khắc tỉnh táo của người thanh niên, họ đã gửi hàng ngàn lá thư về các địa phương, cơ quan. Cuối cùng, họ đã giúp anh tìm được quê hương, trở về trong vòng tay của người thân.

Trước đây, kịch bản "Người không cô đơn" đã từng được nhiều đơn vị sân khấu chuyên nghiệp chọn dàn dựng dưới nhiều hình thức như kịch nói, chèo, cải lương… Tuy nhiên, trong bản dựng của Nhà hát Kịch CAND, chuyện kịch mở rộng hơn, tập trung xây dựng hình tượng đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ, ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, đồng thời phản ánh nhiều vấn đề của xã hội thời hậu chiến. Tác giả đã viết thêm một số cảnh và lấy tên kịch là "Đường về miền nhớ".

Thực tế, trong "Đường về miền nhớ", chuyện kịch mở ra bằng một không gian hoàn toàn khác so với nhiều bản dựng "Người không cô đơn" của các tác phẩm sân khấu trước đây. Sự khốc liệt của chiến tranh được khắc họa  ngay từ phút mở màn, là khởi điểm cho bi kịch sau này của người lính. Do thương tích và cú sốc tinh thần quá lớn, người lính trẻ bị thần kinh. Anh không nhớ nổi mình là ai, nhưng lại vẫn luôn đau đáu lời trăng trối của đồng đội, người bạn thân là tìm lại cánh tay của bạn đã bị mảnh bom cắt mất, đưa bạn về với mẹ, với quê hương.

Trong ký ức hỗn độn của người lính ấy chỉ toàn chiến tranh, bom đạn, thấp thoáng  kỷ niệm, ký ức đẹp về người thân của đồng đội, nhất là người yêu, người vợ, người mẹ -  điểm tựa tinh thần, neo đậu bình yên trong tâm hồn người lính, giúp họ vững vàng ở giữa "nơi sự sống đùa giỡn với cái chết", trong những tháng ngày sống, chiến đấu ở chiến trường.

Có lẽ do kịch bản được viết bổ sung và vở kịch được Nhà hát CAND dàn dựng khi biên độ sáng tạo cho các tác phẩm về đề tài chiến tranh, về hậu chiến đã mở hơn rất nhiều so với gần 20 năm trước nên trong "Đường về miền nhớ", những vấn đề của xã hội thời hậu chiến, nhất là những mất mát do chiến tranh lặng sâu trong từng phận người, nhất là người lính và thân nhân của họ, được thể hiện khá rõ.

Tình tiết vợ và con ông Nhân - chủ sạp hàng ở chợ, nơi người lính bị mất trí nhớ tá túc hàng đêm - đoán người điên có thể không xấu nhưng vẫn sợ và phản đối lập tức khi ông Nhân có ý định đưa anh ta về nhà nuôi; sự xuất hiện đột ngột và những bận rộn, phiền toái từ việc chăm sóc một người bệnh xa lạ trong gia đình, làm cuộc sống xáo trộn, khiến Nga - con gái ông bà Nhân - bực dọc, dằn hắt người điên, dù anh rất hiền lành, là tâm lý rất tự nhiên, không quá bất thường.

Nó cho thấy hành động đầy tính bản năng tự vệ, những khoảnh khắc mà sự bao dung của con người không đủ lớn khi việc làm tốt xung đột với lợi ích cá nhân. Thế nhưng, sự thật hiển nhiên ấy vẫn khiến người xem xót xa nhất là khi Nga bực dọc, gắt gỏng với người điên lang thang: "Anh lúc nào cũng chiến tranh, chiến tranh! Em lớn lên, làm gì còn chiến tranh đâu mà biết"…

Cũng trong vở kịch, nhiều vấn đề khác của thời hậu chiến được thể hiện khá rõ: Những gia đình, người mẹ, người vợ trẻ mòn mỏi tuổi thanh xuân ngóng chờ con, chồng trở về; sự nhầm lẫn thông tin trong chiến tranh, những mất mát do chiến tranh đeo đẳng con người, trong từng gia đình, từng làng xã…

Tuy nhiên, nói như chia sẻ sau đêm tổng duyệt của NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì xuyên suốt và ấn tượng đọng lại sau cùng của vở diễn vẫn là sự ấm áp của tình người, tình đồng chí, đồng đội. Theo nữ nghệ sĩ, tác phẩm có khá nhiều trường đoạn xúc động, thành công khi thể hiện nội dung này.

NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị cũng cho rằng, vai người điên lang thang là một vai diễn rất nặng, đòi hỏi diễn viên diễn xuất rất tinh tế, duy trì được phong độ và thể hiện được chiều sâu tâm lý nhân vật một cách logic, thuyết phục và mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Vai diễn này được Nhà hát mạnh dạn trao cho diễn viên trẻ Đỗ Minh Hiếu. Nhiều vai diễn khác cũng được trao cho các diễn viên trẻ. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn, đòi hỏi các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch CAND phải có nhiều nỗ lực hơn, chăm chút nhiều hơn nữa cho các vai diễn của mình trước khi biểu diễn chính thức.

Vở kịch "Đường về miền nhớ" được Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị giao Nhà hát Kịch CAND dàn dựng. Tác phẩm do Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy chỉ đạo nội dung; Thượng tá Đỗ Tất Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch CAND chủ nhiệm chương trình, NSND Lê Hùng cố vấn nghệ thuật, NSƯT Vũ Hồng Quân đạo diễn, kịch bản của tác giả Bùi Vũ Minh. Tham gia biểu diễn có diễn viên Đỗ Minh Hiếu, Phạm Ngọc Thân, Trịnh Thị Huyền, Lê Nguyễn Hà Anh cùng nhiều diễn viên khác của Nhà hát Kịch CAND như:  NSƯT Hồng Tuấn, Hồng Lê… "Đường về miền nhớ" cũng là tác phẩm được đầu tư dàn dựng để dự Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023. Đây là Hội diễn do Bộ Quốc phòng tổ chức từ ngày 9 – 21/10 tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội. Hội diễn có 22 đoàn nghệ thuật thuộc 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở trong và ngoài lực lượng vũ trang tham gia. Trong đó, lực lượng CAND có 2 đơn vị là Nhà hát Kịch CAND thuộc Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (diễn vở "Đường về miền nhớ" vào 9h30 ngày 18/10) và Đoàn Nghi lễ CAND thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (biểu diễn chương trình ca múa nhạc "Tự hào người chiến sĩ Công an Việt Nam" vào 9h30 ngày 11/10).

Ngọc Hoa
.
.
.