Đưa di tích lịch sử cách mạng trở thành điểm đến hấp dẫn

Thứ Ba, 30/08/2022, 07:45

Thay vì đón các đoàn khách của các cơ quan, đoàn thể theo hình thức "đến hẹn lại lên" vào mỗi dịp lễ kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước như nhiều năm trước, không ít di tích lịch sử cách mạng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

1.jpg -0
Di tích Hỏa Lò thu hút đông đảo khách tham quan.

Ứng dụng công nghệ, tăng hoạt động trải nghiệm để hút khách

Những ngày cuối tháng 8, thời tiết Hà Nội mưa nắng thất thường nhưng di tích Nhà tù Hỏa Lò vẫn tấp nập du khách. Trong gần 2 tiếng đồng hồ lang thang trong di tích, chúng tôi ước chừng đã có khoảng trên 100 du khách tham quan Hỏa Lò. Trừ 1 đoàn khách nước ngoài có hướng dẫn viên, số còn lại đều là khách lẻ. Trong đó, chiếm hơn 1 nửa là du khách nước ngoài. Có những lối vào tham quan, đặc biệt là khu nhà giam chật chỉ vừa một người vào thăm nên đôi khi người này phải chờ người khác. Giao tiếp hầu như chỉ qua nụ cười, cử chỉ. Dường như ai cũng cố gắng đi lại, giao tiếp ít phát ra âm thanh nhất.

Mỗi người một bộ thuyết minh tự động với bộ tai nghe gắn trên đầu, giống như thể đang thưởng thức các bản nhạc yêu thích. Khách tự do khám phá, lưu lại phòng nào trong thời gian bao lâu tùy thích. Một số nhóm bạn trẻ, sau này chúng tôi tranh thủ ít phút hỏi thăm sau tour tham quan cho hay, họ là sinh viên, đang học tại Hà Nội, rủ nhau đến di tích, vừa là chơi, vừa là bổ trợ kiến thức.

Ngạc nhiên và thú vị là cảm nhận chung của hầu hết các du khách ghé thăm Hỏa Lò mà chúng tôi có dịp tiếp cận. Thông tin từ Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò cũng cho hay, thời gian qua, đơn vị nhận được rất nhiều phản hồi rất tốt từ du khách ở trong và ngoài nước. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hỏa Lò đã đón 149.120 lượt khách, bằng 573% so với năm 2021, trong đó, riêng tháng 7, Hỏa Lò đón 36.870 lượt khách. Đây là kết quả vui sau nhiều nỗ lực đổi mới sản phẩm, đa dạng cách tiếp cận các đối tượng du khách phù hợp hơn.

Các câu chuyện từ di tích, từ các hiện vật được biên tập kỹ càng, chuyển tải trên máy thuyết minh tự động, qua giọng đọc của NSƯT Kim Tiến trở nên sống động và tạo nhiều cảm xúc đặc biệt cho du khách. Đặc biệt, tour "Đêm thiêng 2 - Sống như những đóa hoa", khám phá Hỏa Lò về đêm với nhiều hoạt động trải nghiệm, tương tác, biểu diễn, thưởng thức ẩm thực đặc trưng đang trở thành sản phẩm "ăn khách" nhất tại di tích này, được nhiều đơn vị lữ hành chọn đặt trước hàng tuần.

Tăng cường ứng dụng công nghệ, sử dụng thuyết minh tự động, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm giàu tính tương tác, trải nghiệm, thu hút đông du khách hơn là xu hướng chung của nhiều "địa chỉ đỏ" khác trên cả nước, trong đó điển hình có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... Không khó để nhận thấy, các điểm đến này đã đầu tư nhiều hơn, sâu hơn cho các trưng bày, thay đổi các trưng bày chuyên đề nhiều hơn, tổ chức nhiều sự kiện hơn, giúp du khách có nhiều câu chuyện, kiến thức mới để khám phá dù có thể trở đi trở lại nhiều lần. Công tác truyền thông qua website, fanpage, các hoạt động thúc đẩy du khách chia sẻ về điểm đến sau khi kết thúc tour tham quan, tăng cường phối hợp với các đơn vị lữ hành để thu hút khách đã được các đơn vị quan tâm hơn.

Thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn

Không chỉ có các điểm đến - "địa chỉ đỏ" thuộc quản lý Nhà  nước, nhiều sản phẩm du lịch về nguồn do các đơn vị lữ hành thiết kế, phối hợp với các di tích thuộc quản lý tư nhân bắt đầu nở rộ. Điển hình là các tour du lịch khám phá các di tích của Biệt động Sài Gòn xưa tại TP Hồ Chí Minh. Trong khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ tham gia tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn", khách được thưởng thức ẩm thực theo phong cách Sài Gòn xưa, giữa khung cảnh của ngôi nhà cổ kính, từng là nơi lực lượng Biệt Động Sài Gòn dùng làm việc trao đổi tin tức tình báo từ Sài Gòn-Gia Định đưa ra chiến khu phục vụ kháng chiến.

Sự hiện diện của các nhân chứng lịch sử một thời hay các hướng dẫn viên đặc biệt, là hậu bối của các chiến sĩ biệt động năm nào trực tiếp thuyết minh về kỹ thuật cất giấu, trao đổi tin tức tình báo cùng nhiều vật dụng như: Hộp thư tình báo, hầm nổi, hầm chứa vũ khí của Biệt Động Sài Gòn, các hiện vật Bảo tàng Biệt động Sài Gòn và hệ thống thuyết minh tự động, tương tác 3D… đang giúp tour du lịch này trở thành một trong các sản phẩm ăn khách, mô hình được nhiều đơn vị khác học tập. Các điểm đến trong tour này là các di tích gắn liền với lực lượng Biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được ông Trần Vũ Bình, con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai nỗ lực phục dựng nhiều năm qua. Mỗi di tích là một cơ sở được ông Lai xây dựng, có những điểm cất giấu hàng tấn vũ khí, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao ra vào nội thành hoạt động, gắn với nhiều chiến công và không ít những hy sinh, mất mát của lực lượng Biệt động thành, được ông Bình phục dựng để tưởng nhớ, tri ân các chiến sĩ biệt động.

Khối tư liệu, hiện vật lớn mà cha ông cùng 2 người vợ cũng là biệt động để lại cùng rất nhiều những câu chuyện được ba, mẹ và đồng đội của họ kể thời thơ ấu giúp ông tái hiện chân thực, sinh động về một lực lượng đã trở thành huyền thoại trong một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước. Sau này, với sự nhập cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể địa phương và kết nối với nhiều đơn vị lữ hành, chuỗi di tích trên trở thành những điểm đến yêu thích của đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Cùng với sự sáng tạo của các đơn vị lữ hành, các hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cũng tăng dần đều. Thay vì tự sáng tạo toàn bộ sản phẩm, mỗi điểm di tích, ông Bình cung cấp cơ sở vật chất, dịch vụ, kiến thức phù hợp để các đơn vị lữ hành tự sáng tạo hình thức tương tác cho du khách, bố trí cho khách đóng vai giao liên, cán bộ vào hoạt động nội thành, được cung cấp mật khẩu, mật hiệu để nhận ra ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vũ Bình cho biết, các tour thu hút ngày càng đông khách. Từ chỗ cố gắng tạo hoạt động để phát huy giá trị di tích, hiện nay, các điểm đến tạo việc làm cho nhiều lao động thông qua cung cấp các dịch vụ đi kèm, góp phần giải quyết bài toán kinh tế trước mắt. So với giá trị di tích cả chục tỷ thì thu nhập từ di tích mang lại vẫn đưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, ông Bình và gia đình vẫn quyết tâm làm vì mục đích cuối cùng không phải là kinh tế mà là để các thế hệ sau này hiểu biết hơn những cống hiến, hy sinh của cha anh, trân trọng hơn cuộc sống hòa bình, ổn định hiện tại.

N.Nguyễn
.
.
.