Du lịch Thừa Thiên-Huế phục hồi tích cực
Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 của địa phương đạt 6,92% (mức tăng cùng kỳ 5,72%); đạt mức trung bình khá so với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 16.813,1 tỷ đồng, bằng 46,8% so kế hoạch; thu ngân sách của tỉnh đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 84,3% so với dự toán và tăng 8,0% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực du lịch - dịch vụ tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt 7,89%; khách du lịch tăng 44%; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch. Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi du lịch, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành liên quan nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ lực và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng, có tính trọng tâm. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động Festival 4 mùa, phát huy lợi thế của thành phố festival, các loại hình hoạt động festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Thừa Thiên-Huế. Đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao, lễ hội truyền thống, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch…
Đặc biệt, để ngành Du lịch- ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên-Huế tiếp tục phục hồi tích cực, đầu tháng 7/2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện kế hoạch này nhằm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh để triển khai kế hoạch phát triển nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị quản lý và phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các tổ chức quản lý điểm du lịch, khu di tích, văn hóa và các đơn vị liên quan tại tỉnh đăng ký sử dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch. Việc này nhằm chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động, phân tích, đo lường sự phát triển du lịch tại địa phương và ra các quyết định, chính sách phát triển dựa trên dữ liệu số du lịch, hình thành hệ sinh thái văn hóa, du lịch số đa dạng, phong phú tại địa phương, gắn kết phát triển chuỗi sản phẩm du lịch với các địa phương khác. Bên cạnh đó, việc này còn nhằm quảng bá, cung cấp các dịch vụ của mình và tạo ra các dịch vụ mới, dịch vụ số du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng...
Quá trình sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch sẽ giúp hỗ trợ thống nhất và đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành Du lịch. Đồng thời, giúp khai thác, chia sẻ và kết nối dữ liệu trên một nền tảng, bao gồm các dữ liệu cơ bản như: dữ liệu tài nguyên văn hóa, du lịch; thông tin, dữ liệu về dịch vụ du lịch; thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp du lịch, lữ hành; thông tin, dữ liệu về cơ sở lưu trú; thông tin, dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch; hệ thống thông báo, đóng góp ý kiến, đánh giá, hỗ trợ du khách…
Việc thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế còn nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước khi thực hiện chuyến đi và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết thêm: Tháng 10/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành chương trình hành động về xây dựng tỉnh xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch ASEAN. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch, trong đó tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh. Tỉnh xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thành các phần mềm, giải pháp số để quản lý chuyên ngành du lịch theo hướng điện tử, liên thông, dùng chung dữ liệu, nhất là trong các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên...; hoàn thiện Trung tâm Giám sát điều hành du lịch thông minh. Tỉnh cũng tập trung hoàn thành số hóa dữ liệu di sản, tài nguyên du lịch, đầu tư và triển khai các gói hạ tầng phục vụ cho du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch thông minh…