Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

Thứ Sáu, 24/03/2023, 11:57

Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại tỉnh Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh không phải nơi nào cũng có.

Sáng 24/3, tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ.

Văn hóa Sa Huỳnh cùng với Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đông Nam Bộ là 3 trung tâm văn minh ở thời đại kim khí của Việt Nam, trong đó Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải đất miền Trung từ vùng Hà Tĩnh đến Bình Thuận - Đồng Nai; trung tâm của văn hóa này nằm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía bắc Bình Định.

Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh -0
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (trái) đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: N.H

Cư dân Văn hóa Sa Huỳnh làm nghề trồng trọt, đánh cá, đi biển; làm đồ trang sức, đồ gốm, kỹ thuật đúc thủy tinh, đặc biệt là tục chôn cất người qua đời trong những chum lớn thường tập trung ở các cồn cát ven biển và lan dần ra đảo gần bờ.

Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại tỉnh Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh không phải nơi nào cũng có.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi luôn tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra Văn hóa Sa Huỳnh. Trong hơn 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đồng thời cũng hết sức kỳ bí này. Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh và đã đạt được những bước tiến đáng kể.

“Chúng ta đã phát hiện được hàng trăm di tích Văn hóa Sa Huỳnh từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Đồng Nai, từ các cồn cát ven biển đến hải đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng ngàn hiện vật đã được phát hiện và phục hồi”, ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt của Văn hóa Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL, UBND thị xã Đức Phổ tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 29/12/2022.

Di tích gồm 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ, tạo nên một không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chăm pa và sau này là Đại Việt đã để lại rất nhiều di vật trên mặt đất trong, dưới lòng đất. Đây là một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị cần được bảo vệ.

Ngọc Thi
.
.
.