Dấu ấn chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn ví, giặm"
Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với mong muốn góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của những nhạc sỹ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng
Hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), 20h ngày 14/5, chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” nhằm tôn vinh 5 nhạc sỹ tiêu biểu (gồm Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên) sẽ được Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (91, Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với mong muốn góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của những nhạc sỹ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng, đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam và được trao tặng các giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chương trình nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các nhạc sĩ tài hoa của quê hương Nghệ An, đáp ứng nguyện vọng của bà con quê hương Nghệ - Tĩnh ở Hà Nội nói riêng và đông đảo công chúng yêu âm nhạc nói chung.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là một trong năm người đã sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã dành nhiều thời gian rong ruổi khắp ba miền, chắt lọc các làn điệu dân ca để viết nên những ca khúc bất hủ như: “Mẹ yêu con”; “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”; “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”; “Dáng đứng Bến Tre”; “Dư âm”… Với những đóng góp to lớn cho nên âm nhạc nước nhà, năm 2000, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Với quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dù không được đào tạo bài bản qua các trường âm nhạc nhưng ông lại có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Mùa xuân gọi bạn”; “Suối Mường Hum còn chảy mãi”; “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”; “Xuân về trên bản”; “Xa khơi”… Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nhạc sỹ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với nhiều bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như “Hoa sữa” là ca khúc nằm trong phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”; “Lênh đênh” là ca khúc nằm trong phim “Đời hát rong”. Trong khi đó, bài “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sỹ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: “Làng quan họ quê tôi”; “Khúc hát sông quê”; “Đôi mắt đò ngang”; “Bản tình ca bên một dòng sông”… Năm 2012, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nhạc sỹ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách rất khéo léo, tài tình. Hầu hết những bài hát nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan toả rất lớn, như “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”; “Neo đậu bến quê”; “Ca dao em và tôi”; “Hà Tĩnh mình thương”... Năm 2007, nhạc sỹ An Thuyên vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Các nhạc sỹ đã đi xa nhưng những ca khúc của họ vẫn mãi trường tồn và ngân lên cùng năm tháng. Chương trình nghệ thuật “Mạch nguồn ví, giặm” chọn 15 ca khúc trình công chúng lần này chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài âm nhạc đồ sộ mà các nhạc sỹ để lại.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết, đây là một chương trình nghệ thuật được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, rất chú trọng đến chất lượng chuyên môn. Nhiều thông tin, bài viết về hoàn cảnh ra đời, những kỷ niệm của công chúng, người xem với tác phẩm lần đầu tiên được công bố. Nhiều bài viết chia sẻ những câu chuyện xung quanh tác phẩm, tác giả được các người thân của nhạc sĩ chia sẻ trong dịp này.
Đây là chương trình nghệ thuật phi lợi nhuận theo hình thức xã hội hóa.