Đạo diễn vở “Nợ nước non” chia sẻ “câu chuyện nghệ thuật” đặc sắc về Bác Hồ
Đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5, Nhà hát Cải lương Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho ra mắt công chúng Thủ đô vở kịch hát “Nợ nước non”.
Đây là phần đầu tiên trong dự án sân khấu “Nước non vạn dặm” – công trình nghệ thuật về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đầu tư thực hiện trong nhiều năm. Chúng tôi đã có dịp phỏng vấn đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam về dự án đặc biệt này.
PV: Đây là lần đầu tiên có một dự án kịch hát về Bác gồm 3 phần – 3 vở diễn. Ông có thể chia sẻ vì sao Nhà hát Cải lương Việt Nam quyết định thực hiện dự án này?
NSND Triệu Trung Kiên: Đây là công trình nghệ thuật đặc biệt chúng tôi phối hợp với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ thực hiện, có tên gọi “Nước non vạn dặm”, là tác phẩm mang tính chất sử thi về hình tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 111 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Tối 19/5/2022, chúng tôi ra mắt khán giả phần 1, chủ đề “Nợ nước non”. Phần này tập trung vào giai đoạn đầu đời của Bác, từ khi Người còn thơ ấu cho đến lúc ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Hai phần còn lại xây dựng hình tượng Bác Hồ khi Người bôn ba hoạt động ở nước ngoài rồi trở về nước chèo lái con thuyền cách mạng. Tác giả kịch bản của “Nước non vạn dặm” là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Cùng với kịch bản sân khấu, ông còn viết bộ tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có tên gọi là “Nước non vạn dặm”, gồm 3 tập. Riêng với sân khấu, chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 2 năm trước nhưng vì đại dịch COVID-19 nên năm nay mới tập trung dàn dựng, công diễn.
PV: Ông và ê kíp thực hiện có gặp nhiều áp lực không khi thực hiện một dự án nghệ thuật lớn, nhiều năm về một vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh?
NSND Triệu Trung Kiên: Những câu chuyện, những trang sử về Bác, rất nhiều người đã biết, đã thuộc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không kể lại. Theo tôi, câu chuyện của Bác, về Bác cần được chúng ta kể đi kể lại rất nhiều lần cho nhiều thế hệ. Mỗi lần kể, mỗi nghệ sĩ lại có cách kể khác nhau theo cách của mình. Tư liệu lịch sử về Bác không thể sai khác được. Vấn đề là nghệ sĩ làm sao để khán giả xem vở diễn vừa được “nghe kể” câu chuyện về Bác, vừa được thưởng thức sản phẩm nghệ thuật mà họ thấy thú vị. Thách thức đối với chúng tôi lần này rất lớn, vừa làm sao để có tác phẩm hấp dẫn, thu hút, thuyết phục khán giả, vừa không trùng lặp với các tác phẩm trước đó về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách mà ê kíp thực hiện vở diễn thu hút và thuyết phục khán giả trong phần 1 của dự án – vở “Nợ nước non”?
NSND Triệu Trung Kiên: Ở phần 1 này chúng tôi sẽ tập trung lý giải một cách thuyết phục về quyết định của Bác khi Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 – quyết định lịch sử, tự giác, có chủ đích, mang tính cách mạng. Chúng tôi có thuận lợi là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ không chỉ nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc mà còn viết bằng cả sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác. Ông viết về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một vĩ nhân nhưng không nhằm mô tả tiểu sử nhân vật mà khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân. Mặt khác, chúng tôi theo sát các kết quả của nhiều nhà nghiên cứu và hội thảo khoa học bàn về vấn đề Bác ra đi tìm đường cứu nước trong những năm gần đây. Trong đó có những nghiên cứu, tranh luận mới như Bác đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước từ khi nào? Khi Người còn ở Bình Định hay là khi ở Sài Gòn? Những nội dung liên quan đến Bác đã được các nhà khoa học nghiên cứu rất kỹ lưỡng và đi đến những kết luận có giá trị bền vững, cung cấp các tư liệu chuẩn xác nhất. Chúng tôi cố gắng khai thác, đưa vào vở diễn trên tinh thần cung cấp cả những thông tin mới với khán giả.
Vở diễn được dàn dựng và phục vụ người xem của thời nay nên phải mang được phong cách nghệ thuật của hôm nay, hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp. Chúng tôi vẫn tuân thủ phương pháp ước lệ của sân khấu dân tộc nhưng đó là phương pháp ước lệ mang nhiều yếu tố đương đại, chú trọng yếu tố nhạc, vũ, kịch. Vở diễn có sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài Chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ.
PV: Ông có gặp khó khăn khi tuyển chọn diễn viên đóng vai Bác Hồ?
NSND Triệu Trung Kiên: Hiện nay rất khó có thể tìm được một diễn viên ở độ tuổi tương đương với Bác lúc Người còn đôi mươi mà có bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm diễn xuất, giọng ca đáp ứng được yêu cầu. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, chúng tôi chọn nghệ sĩ Minh Hải. Có một điều khá thú vị là chúng tôi tìm được cháu bé đóng vai Bác thuở ấu thơ là con trai của nghệ sĩ Minh Hải. Dù cháu chỉ xuất hiện ở một lát cắt nhỏ là khi gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Huế nhưng chúng tôi hy vọng sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan tảo tần, khó nhọc đã từ giã cõi đời khi chồng là ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi là một trong những cảnh xúc động và lôi cuốn người xem trong vở diễn này.
PV: Nội dung vở “Nợ nước non” kể về giai đoạn Bác còn ấu thơ đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Ông và ê kíp sáng tạo chọn cách chuyển tải câu chuyện trải dài trong khoảng 20 năm như thế nào trong vở diễn này?
NSND Triệu Trung Kiên: Chúng tôi không tham vọng kể lại toàn bộ quá trình hơn 20 năm đầu tiên trong cuộc đời của Bác mà chỉ chọn thể hiện ở những lát cắt tiêu biểu, sự kiện cơ bản nhất. Chúng tôi không kể theo trình tự. Câu chuyện kịch được bắt đầu khi Bác vào Sài Gòn, hồi ức về gia đình, quê hương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không kỳ vọng sẽ lý giải một cách quá thấu đáo và đầy đủ nhất một giai đoạn trong cuộc sống, sự nghiệp của Bác ở một vở diễn chỉ với 2 tiếng đồng hồ.
Chúng tôi chỉ cố gắng kể ngắn gọn, dễ hiểu toát lên được quá trình từ lúc Người còn nhỏ đến khi trưởng thành, tiến tới quyết định sáng suốt của Bác – quyết định mang tính lịch sử là Người xuống tàu sang Pháp năm 1911 để tìm đường cứu nước. Đây sẽ là tiền đề cho các câu chuyện sau này trong 2 phần tiếp theo của dự án, dự kiến ra mắt khán giả vào năm 2023 và 2024.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn!