Công trình cũ bị bỏ hoang có thể thành các trung tâm sáng tạo lớn

Thứ Ba, 21/11/2023, 15:09

Công nghiệp sáng  tạo được  xác định là ngành có nhiều cơ hội đóng góp vào GDP của TP Hà Nội. Hà Nội cần quan tâm dành quỹ đất cho các hoạt động của lĩnh vực này. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”do Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 21/11.

Ngày 30/10/2019, TP Hà Nội chính thức trở thành thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Đây cũng được coi là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – ông Đỗ Đình Hồng, sau hơn 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy Thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, đến nay, Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các ý tưởng, sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược, kế hoạch dài hạn trong phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Cùng với các cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được TP Hà Nội ban hành để thúc đẩy xây dựng Thành phố Sáng tạo, nhiều sự kiện đã được Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống, trong đó có các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ.

Hà Nội cần quy hoạch, dành quỹ đất cho công nghiệp sáng tạo -0
Tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước cũng cho rằng, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp sáng tạo. Nhưng để phát huy các tiềm năng của Hà Nội trong phát triển công nghiệp sáng tạo, xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo Hà Nội cần phải có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.

Theo Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh – một trong những người góp phần tạo dựng nên nhiều tổ hợp sáng tạo thành công như Zone 9, X98, Hà Nội Creativity City, việc phát triển thành phố sáng tạo phải gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thỏa mãn lợi ích của cộng đồng, tạo ra việc làm. 

Hà Nội cần quy hoạch, dành quỹ đất cho công nghiệp sáng tạo -0
Nhà máy xe lửa Gia Lâm “thay áo mới” trong dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Ông Thanh cho rằng, công nghiệp sáng tạo đã được xác định là lĩnh vực có nhiều cơ hội đóng góp GDP cho Hà Nội nhưng chưa được quan tâm quy hoạch, quỹ đất dành cho công nghiệp sáng tạo. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, Hà Nội có thể tận dụng những công trình cũ bị bỏ hoang, tương tự như Nhà máy xe lửa Gia Lâm để xây dựng thành các trung tâm sáng tạo lớn, có thể là chỉ trong thời gian ngắn, nhằm thu hút cộng đồng sáng tạo nhưng công chúng có thể dễ dàng tiếp cận được. Các nhà đầu tư bất động sản nên quan tâm dành một số diện tích nhất định để các nghệ sĩ, những người làm sáng tạo đến hoạt động, thu hút công chúng. “Công nghiệp sáng tạo chỉ thành công khi thương mại hóa được sản phẩm nghệ thuật”, ông Thanh nói.

Đồng quan điểm trên nhưng ông Chris  McCreery, Quản lý Phát triển Văn hóa của Belfast (Vương quốc Anh)- Thành phố Sáng tạo âm nhạc của UNESCO cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, ban đầu, chủ đầu tư dự án bất động sản có thể mời gọi, có nhiều ưu đãi để thu hút cộng đồng sáng tạo. Tuy nhiên, khi địa điểm này thu hút đông đảo công chúng, chi phí thuê mặt bằng tăng cao, có thể các nghệ sĩ sẽ bị đẩy ra khỏi chính địa điểm mà họ đã dày công đầu tư trước đó.

Bà Poppy Jarrat, đại diện của Dandee (Vương quốc Anh) – Thành phố Sáng tạo Thiết kế của UNESCO cũng đề xuất, cộng đồng sáng tạo có thể tận dụng các cửa hàng cũ để xây dựng các tổ hợp sáng tạo. Khi xây dựng các tổ hợp sáng tạo, xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo, chúng ta cần quan tâm đến những bản sắc nổi bật của địa phương và huy động hiệu quả các nguồn lực, sự sáng tạo, ý kiến của người dân bản địa…

Ông John Peto -  người từng tham gia nhiều dự án văn hóa chiến lược của Bắc Ai-len thì cho rằng những người làm sáng tạo có mặt ở khắp nơi, ở các lĩnh vực. Vấn đề là chúng ta phải tập hợp được mọi người, tận dụng được ý tưởng của các thành viên, ứng dụng công nghệ để phát huy và nâng thành quả sáng tạo lên tầm cao mới.

Cũng theo ông John Peto, tài chính là vấn đề vô cùng quan trong phát triển công nghiệp sáng tạo. Các cộng đồng sáng tạo luôn cần sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong việc tạo các địa điểm, “sân chơi” nhằm tạo đà cho các hoạt động sáng tạo, qua đó, tạo ra sinh kế, nghệ sĩ sống được với nghề…

Hoa Nguyễn
.
.
.