Công chiếu 2 bộ phim về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật
Chiều 21/9, Viện Goethe phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) và FOUR PAWS Việt/Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (BSNB) công chiếu hai bộ phim tài liệu về chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật: “Bình Yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên”.
Đây là 2 phim trong khuôn khổ dự án “Sản xuất phim tài liệu sinh thái” năm 2021-2022 do Viện Goethe khởi xướng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện về phát triển bền vững thông qua các thước phim tài liệu.
Theo các nhà làm phim, nói hay viết về công việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ phúc lợi động vật đều không dễ dàng. Việc hợp tác này còn là một hành trình để mỗi tổ chức và nhà làm phim nhìn lại những gì mình đang làm, nên chia sẻ những gì và bằng cách thức nào.
Nhà sản xuất Nguyễn Lam Hà cho biết: “Trong “Bình Yên, về nào!”, chúng tôi lựa chọn cách kể chuyện giản dị và sử dụng những hình ảnh mang tính gợi mở để đưa người xem tới Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Binh, đi theo bước chân của những con người vẫn hàng ngày với hành trình tìm bình yên cho những cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép ở Việt Nam. Họ là những con người bình thường, chỉ đơn giản tận tâm với công việc của mình: chăm sóc gấu. Những chú gấu đã sống gần như cả cuộc đời trong lồng sắt giờ đây lần đầu trong đời được đặt chân lên một thảm cỏ”.
Nói về tầm quan trọng của sự tham gia của các nhà làm phim trong dự án nói chung và với việc kể câu chuyện bằng hình ảnh về hoạt động của khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, vùng dự án của CCD nói riêng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD nhấn mạnh rằng việc hợp tác làm phim lần này là một minh chứng cho sự quan tâm của các bạn trẻ đến thiên nhiên, môi trường và cũng là cách mà CCD cho công chúng thấy được một trái đất đã gặp rất nhiều thách thức cũng như các áp lực từ sự phát triển để mọi người cùng hiểu và cũng chung tay. Bên cạnh đó, sự hợp tác cũng giúp CCD truyền tải một cách trực quan, gần gũi hơn với công chúng công tác và sứ mệnh của Trung tâm, đó là mục tiêu hài hòa giữa các hoạt động bảo tồn và phát triển, các nỗ lực và hành động kết nối con người với thiên nhiên.
Bà Ngô Mai Hương, Giáo đốc FOUR PAWS Việt/BSNB cũng cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị có cơ hội hợp tác với các nhà làm phim trẻ độc lập. Góc nhìn của các nhà làm phim đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì “chất thơ” mà họ đã tìm thấy trong công việc thường được coi là khắc nghiệt - công việc cứu hộ động vật hoang dã. Hành trình của những cá thể gấu từ khi còn là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật cho tới khi được đưa về cơ sở bảo tồn để chăm sóc là những chặng đường gập ghềnh và nhiều khó khăn. FOUR PAWS hy vọng, trong khuôn khổ còn hạn chế của thời lượng phim, những lát cắt thường nhật về những chú gấu và người chăm sóc gấu sẽ gợi mở cho khán giả những tư duy và cảm xúc mới, từ đó gợi ý cho khán giả một cách nhìn nhận động vật với sự tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu hơn.