Sân khấu Việt hợp tác xuyên biên giới:

Cơ hội làm nghề cho nghệ sĩ, đa dạng “thực đơn” cho khán giả

Thứ Ba, 18/10/2022, 08:41

Chỉ trong một thời gian ngắn, người yêu sân khấu kịch tại Thủ đô Hà Nội đón nhận thông tin về nhiều dự án được các đơn vị sân khấu trong nước hợp tác với nước ngoài thực hiện. Sự hợp tác này không chỉ mang đến những món ăn tinh thần mới cho khán giả với những phong cách mới mà còn đem lại nhiều cơ hội làm nghề hơn cho các nghệ sĩ.

Những ngày khép lại tháng 9/2022, các khán giả của Nhà hát Tuổi trẻ, đặc biệt là khán giả yêu thích kịch nói có dịp thưởng thức một món ăn tinh thần khá lạ - vở kịch “Hedda Gabler”. Đây là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Sân khấu Việt hợp tác xuyên biên giới: Cơ hội làm nghề cho nghệ sĩ, đa dạng “thực đơn” cho khán giả -0
Nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trên sàn tập vở “Bến không chồng”.

Vở “Hedda Gabler” là tác phẩm được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Henrik Ibsen, nhà soạn kịch người Na Uy, “cha đẻ của kịch hiện thực”, một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa hiện đại của sân khấu kịch. Bản dựng lần này do nghệ sĩ người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama đạo diễn, có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ.

Trên sân khấu của nhà hát này, khán giả khá bất ngờ bởi gặp một nàng Hedda Gabler tưởng quen mà lạ. Đó là một Hedda vô cùng xinh đẹp, cô đơn, lạc lõng giữa những người tưởng chừng thân yêu nhất và nàng nổi loạn, thậm chí có những hành xử ích kỷ, làm tổn thương người khác. Nàng vừa đáng thương vừa đáng giận.

Sau này, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cũng cho biết, ông không định mang đến với khán giả một Hedda như cách lâu nay nhiều người vẫn nghĩ về nhân vật này. Bi kịch của Hedda trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ còn là bi kịch của một người con gái đẹp quá đủ đầy, không biết mình thực sự muốn gì và rơi vào bế tắc.

Tham gia “kể” câu chuyện của nàng Hedda có rất nhiều gương mặt rất quen thuộc, không chỉ với sân khấu và còn trên phim truyền hình, như: Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang… Tuy nhiên, như chia sẻ của chính các diễn viên thì được diễn xuất trong một tác phẩm kịch kinh điển mà đạo diễn và nhà sản xuất đặt mục tiêu hướng đến quy chuẩn, vóc dáng quốc tế là cơ hội nhưng cũng rất áp lực. Diễn viên không sử dụng micro như các vở diễn thông thường nên chất giọng và nội lực của các diễn viên là một thách thức không nhỏ. Và đây mới chỉ là một ví dụ điển hình…

Ngay sau “Hedda Gabler”, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả có dịp xem vở nhạc kịch “Alice wonderland” (Alice ở xứ sở thần tiên). Được chuyển thể nhạc kịch từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của tác giả người Anh – Charles Lutwidge Dodgson, vở “Alice ở xứ sở thần tiên” phiên bản Việt là kết quả hợp tác  Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với tập đoàn Pacific Ocean Parners và Trường Đại học Australian Institute of Music – Trường đào tạo nghệ thuật lâu năm tại Australia.

Hướng đến người trẻ gồm cả khán giả trẻ và nghệ sĩ trẻ, vở nhạc kịch là cơ hội làm nghề cho nhiều nghệ sĩ. Đây cũng là một trong số ít dự án mà đơn vị sản xuất kỳ công tuyển chọn diễn viên ở cả trong nước và nước ngoài. Sân chơi mở, cơ hội có nhưng không hẳn ai cũng nắm bắt được, nhất là khi vở nhạc kịch chỉ sử dụng toàn tiếng Anh.

Không dừng ở những dự án ngắn hạn, mới đây nhất, kịch “Bến không chồng” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc được công bố sẽ kéo dài trong 3-5 năm. Dự án này do Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) thực hiện, tạo nhiều sự chú ý vì kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng.

Quy tụ một đội ngũ gồm nhiều người làm nghệ thuật uy tín ở trong và ngoài nước, trong đó có đạo diễn Kim Min Jeong, NSƯT Lâm Tùng, nhạc sĩ Giáng Son, Huijea Chung…, dự án được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Như chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì Nhà hát đã may mắn khi kết nối với KAPAP - một đơn vị hàng đầu của Hàn Quốc.

Diễn viên tham gia dự án được tuyển chọn rất kỹ. Đây là lần đầu tiên, Nhà hát Kịch Việt Nam được tiếp cận quy trình sản xuất một chương trình sân khấu của Hàn Quốc. Trong quá trình hợp tác, được thấy cơ sở vật chất hiện đại mà nước bạn đầu tư cho nghệ sĩ Hàn Quốc, các nghệ sĩ Việt Nam vừa mừng vừa chạnh lòng.

Theo tiết lộ của đạo diễn Kim Min Jeong, để thể hiện câu chuyện kịch, ê kíp đã quyết định đưa nước lên sân khấu nhằm tạo bối cảnh dòng sông Đình cho vở diễn. Không gian và cơ sở vật chất của KAPAP đủ điều kiện để nghệ sĩ biến ý tưởng này thành hiện thực. Nhưng tiết lộ này khiến khá nhiều nghệ sĩ Việt Nam lo lắng. Bởi lẽ, thời gian dự kiến công diễn đầu tiên là 12-13/11 tại Hàn Quốc. Thời điểm này, thời tiết bên Hàn Quốc rất lạnh.

Nghĩ đến việc lội dưới nước biểu diễn, nhiều diễn viên Việt Nam lo lắng sẽ khó chịu nổi lạnh. Rất may, đạo diễn Kim Min Jeong đã kịp trấn an. Bà cho biết, KAPAP đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ diễn xuất và nước trên sân khấu luôn ấm áp, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho diễn viên. Tất nhiên, sân khấu ở Việt Nam chưa thể làm được điều này.

NSƯT Xuân Bắc còn cho biết, so với nước bạn, điều kiện cho nghệ sĩ trong nước lao động sáng tạo nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Ví dụ mỗi buổi biểu diễn, thông thường ở Việt Nam chỉ có 1 người làm âm thanh nhưng ở Hàn Quốc thường có đến 4 người, trong đó có 1 đạo diễn âm thanh…

“Hiện nay, các nghệ sĩ Việt Nam vẫn luôn cố gắng tận dụng, phát huy tốt nhất mọi điều kiện đã có để lao động sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng luôn cố gắng và rất mong muốn hợp tác với nước ngoài nhằm mang công nghệ biểu diễn về Việt Nam, bởi khán giả Việt Nam xứng đáng được xem những tác phẩm đẳng cấp quốc tế với điều kiện của quốc tế”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, hiện tại, Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị quốc tế, các nước bạn để thực hiện nhiều dự án nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam, kịch nói Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các câu chuyện đề cập trong các dự án hợp tác quốc tế cũng sẽ đa dạng, có thể là về câu chuyện, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam hay một quốc gia khác.

Nhưng, dù là câu chuyện nào thì cũng đều hướng tới cảm hứng, sự thấu hiểu của người sáng tạo, cảm xúc của người xem. Sự sáng tạo nghệ thuật phải hướng tới con người và không nhất định khu trú trong văn hóa của một quốc gia nào đó.

N.Nguyễn
.
.
.