Có bản lĩnh mới tạo nên bản sắc nhà thơ
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, sáng 24/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ ở mọi miền đất nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội cho biết, nhắc đến nhà thơ là nhắc đến diện mạo trong các tác phẩm của họ. Trong diện mạo ấy có những giá trị có thể gọi là có bản sắc, mà bản sắc thì không thể hình thành trong chốc lát, càng không phải có sẵn, mà hình thành qua một quá trình.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, một bài thơ là kết quả của sự hội tụ nhiều yếu tố. Đó là sự bùng nổ thăng hoa của cảm xúc, sự hoàn hảo về cấu trúc, nhịp điệu và đôi khi thêm một chút may mắn. Để sáng tạo nên bài thơ thì nhà thơ phải có quá trình học tập, lao động, rèn giũa lâu dài. Chặng đường ấy được khởi đầu từ bản lĩnh đi đến cái kết là bản sắc.
“Ở nhà thơ, tôi nghĩ bản lĩnh là khả năng biết khước từ cái cũ, lối mòn và biết khước từ với những gì không phù hợp với chính mình, như số đông, tính thời thượng. Ở khía cạnh khác, bản lĩnh là khả năng biết biết chấp nhận cái khác. Có bản lĩnh mới tạo nên bản sắc mà nhất là trong thời đại hiện nay, trí tuệ nhân tạo bắt đầu len lỏi và làm thay con người thì việc nhà thơ có bản sắc là điều vô cùng quan trọng", nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, đó là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian. Ở một góc nhìn sâu xa hơn, bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Nếu thiếu hai yếu tố này, bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực.
Đồng quan điểm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, bản lĩnh nhà thơ nằm ở sự kiên định, bền bỉ với những sáng tác tiếp theo của mình, ở nỗ lực đẩy đi xa hơn những thể nghiệm để tạo ra cách diễn đạt khác, làm nên sự phong phú trong cách hình dung và truyền tải tinh thần của sự vật, con người, những diễn biến trong đời sống mà vốn khi nhắc đến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ giao tiếp thông thường.
Khẳng định việc bám rễ vào văn hóa của dân tộc mình để sáng tác thơ ca sẽ tạo ra bản sắc riêng có, nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) cho biết, chị đã lựa chọn nói và viết bằng tiếng nói hồn cốt của người Mường, sáng tạo nên những giá trị mới, làm giàu vốn ngôn ngữ truyền thống trong tác phẩm của mình. Do đó, phần lớn các bài thơ của chị đều nói bằng tiếng Mường nhưng phát triển ở tầm cao bằng các giá trị học thuật nghề nghiệp tạo ra tác phẩm mới mang tính thẩm mỹ thời đại. Các bài thơ ấy đã mang tính thời đại, thoát ra khỏi những giá trị dân gian ban đầu mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.