Cấp thiết nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản tại Việt Nam cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới. Bởi lẽ, sự tồn tại và phát triển của ngành, nhất là khi ngành xuất bản vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc, vừa phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới". Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức vào ngày 28/8 tại Hà Nội. Các đồng chí: Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Trong suốt hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cách đây 20 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của ngành xuất bản, với những định hướng lớn, nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng và toàn diện, đã tiếp thêm sinh khí và mở ra thời kỳ phát triển mới rực rỡ của ngành Xuất bản nước nhà.
Trong số những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chỉ thị số 42-CT/TW nêu ra, thì “đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản” là một trong những vấn đề trọng tâm nhất, bởi chất lượng nguồn nhân lực sẽ giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của bất cứ ngành, lĩnh vực nào. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đã có nhiều thay đổi và đang tiếp tục biến động rất nhanh chóng, phức tạp. Điều này đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới và toàn diện hơn, nhất là về năng lực công nghệ thông tin, năng lực tác nghiệp và hoạt động xuất bản trong môi trường số, nắm bắt thị hiếu bạn đọc, xây dựng thương hiệu, truyền thông, marketing, kinh doanh xuất bản phẩm,...
Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” là một hoạt động khoa học có rất có ý nghĩa, vừa góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản thời gian qua, vừa là dịp để nghiên cứu, thảo luận, đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm cũng đã thông tin nhiều kết quả tích cực, đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế của ngành xuất bản, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản hiện nay. Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” có ý nghĩa sâu sắc, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành xuất bản trong tương lai.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, ở Trung ương và địa phương, các cơ quan xuất bản, in, phát hành trao đổi, nghiên cứu, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay, làm rõ những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được dần 70 tham luận với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng. Tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục thảo luận, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhiều tham luận phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra và đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban tổ chức cho biết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chất lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.