Cần thiết xây dựng Nghị định về hoạt động văn học

Thứ Hai, 21/11/2022, 08:07

Văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần quan tâm đưa ra các chính sách cụ thể.

Để hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động văn học phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động văn học là cần thiết… Đây là nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu rõ trong dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học.

Cần thiết xây dựng Nghị định về hoạt động văn học -0
Nhiều sách văn học Việt Nam và nước ngoài được bạn đọc quan tâm.

Tại dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động văn học và các vấn đề liên quan đến lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học của Bộ VHTTDL đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của hoạt động văn học. Cụ thể là hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều Luật khác nhau như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, vẫn còn một nhóm các quan hệ xã hội trong lĩnh vực văn học chưa được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật riêng như: Đặt hàng, tài trợ cho sáng tác văn học, dịch tác phẩm văn học, giới thiệu, quảng bá văn học, cuộc thi, trại sáng tác văn học, cơ chế trưng cầu chuyên gia trong việc thẩm định các vấn đề phát sinh trong đời sống văn học, cụ thể hóa những hành vi bị cấm trong lĩnh vực văn học…

Một số chính sách về đầu tư kinh phí cho hoạt động văn học chưa đúng tầm, đúng mức, còn bất cập. Các tác phẩm được đặt hàng, hỗ trợ sáng tác tuy phong phú về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa cao, số lượng tác phẩm đạt giải thưởng văn học uy tín vẫn hạn chế. Hoạt động trại sáng tác được tổ chức thường xuyên nhưng hiệu quả cũng chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng của các đơn vị tổ chức. Hệ thống giải thưởng và các cuộc thi văn học vẫn còn tồn tại một số vấn đề như chất lượng của giải thưởng chưa đồng đều. Hiện nay đã manh nha và bắt đầu xuất hiện hiện tượng các tổ chức hoạt động ngoài sự cho phép của pháp luật để tổ chức và trao giải thưởng, lợi dụng hệ thống giải thưởng phục vụ cho những mục tiêu ngoài văn học, lợi dụng văn học để thực hiện trái pháp luật…

Cũng theo Bộ VHTTDL, hoạt động dịch văn học hiện nay đang có nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng "nhập siêu văn hóa". Hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam, thậm chí xuất bản cùng lúc với nhiều quốc gia khác, nhưng sách văn học trong nước xuất hiện còn khá nhỏ giọt trên thị trường sách thế giới. Việc số hóa tác phẩm văn học Việt Nam và đưa lên không gian mạng hiện nay được thực hiện một cách manh mún, thiếu tổ chức, phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan, tổ chức. Các hoạt động lý luận, phê bình văn học, công tác lý luận, phê bình chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong khi những hạn chế từ lâu tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới và đặt ra những thách thức mới. Sự thiếu hụt về đội ngũ phê bình, lý luận lĩnh vực văn học diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả…

Được biết, để tháo gỡ các vướng mắc trên, Bộ VHTTDL đã lập bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Ngoài dự thảo tờ trình Chính phủ, dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động văn học và các vấn đề liên quan đến lập đề nghị xây dựng Nghị định, hồ sơ còn có dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách từ việc xây dựng, ban hành Nghị định, đề cương dự kiến Nghị định. Hồ sơ được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 16/12.

N.Nguyễn
.
.
.