“Biên niên sử” bằng ngôn ngữ nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát Cơ động
Sau nhiều tháng nỗ lực tổ chức tập luyện, tối 8/4, chương trình nghệ thuật “50 năm Cảnh sát Cơ động – Những chặng đường vinh quang” đã được Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc CAND, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức buổi tổng duyệt đầu tiên tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự chương trình. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và đông đảo cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Cơ động.
Chia sẻ về chương trình, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát Cơ động cho biết, chương trình nghệ thuật “50 năm Cảnh sát Cơ động – Những chặng đường vinh quang” là một trong những hoạt động văn hóa, nghệ thuật điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Cơ động (15/4/1974 – 15/4/2024). Chương trình nói về lực lượng Cảnh sát Cơ động từ những ngày đầu mới thành lập, trải qua các giai đoạn trưởng thành, phát triển cho đến hôm nay.
Có thể ví chương trình giống như “biên niên sử” về lực lượng Cảnh sát Cơ động được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ của sân khấu với rất nhiều tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu. Đây cũng là một trong những chương trình nghệ thuật được Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động tập trung đầu tư, có quy mô lớn, quy tụ đông đảo nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở trong và ngoài lực lượng CAND tham gia.
Trong số 300 nghệ sĩ, chiến sĩ biểu diễn trong chương trình, số lượng cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Cơ động chiếm khá lớn, khoảng 130 người, thuộc Đoàn Nghi lễ CAND và Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1. Đây là điểm khác biệt của chương trình, giúp khán giả hiểu hơn về lực lượng Cảnh sát Cơ động qua các tác phẩm, nhất là những tiết mục do chính các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động thể hiện.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển lực lượng Cảnh sát Cơ động, các cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng cùng các đơn vị trong CAND lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Cơ động đã trở thành tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát Cơ động.
Chương trình nghệ thuật lần này không chỉ như là lời tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, nhân dân, mà còn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ ấy. Đó là những người mẹ, người vợ ngày đêm đảm đang, tần tảo sớm khuya, là hậu phương vững chắc để động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Những câu chuyện về lực lượng Cảnh sát Cơ động được chính những người lính trong lực lượng thể hiện trên sân khấu sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả xem chương trình.
Chương trình nghệ thuật “50 năm Cảnh sát Cơ động – Những chặng đường vinh quang” có thời lượng 90 phút, bao gồm 4 chương: Chặng đường vẻ vang - Những mốc son lịch sử; Vì bình yên cuộc sống; Quả đấm thép giữa thời bình; Mãi một niềm tin theo Đảng. Chương trình do Thiếu tướng Lê Ngọc Châu - Tư lệnh Cảnh sát Cơ động chỉ đạo nội dung; Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn làm Giám đốc âm nhạc, chỉ đạo nghệ thuật.
Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ, chiến sĩ trong và ngoài lực lượng CAND tham gia. Riêng phần âm nhạc có 4 nhạc sĩ: An Hiếu, Đức Tân, Tạ Duy Tuấn, Cao Xuân Dũng. Biên đạo múa có 7 nghệ sĩ: NSND Thu Hà, NSƯT Thanh Tùng, Thạc sĩ Hải Trọng, Trọng Huy, Thùy Linh, Thế Chung, Minh Tân. Trực tiếp biểu diễn trong chương trình có hơn 300 nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ CAND; Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1; Nhà hát Ca múa nhạc CAND và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Trước khi tổng duyệt lần đầu tại Nhà hát Hồ Gươm, chương trình đã có 3 ngày hợp luyện tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.
Chia sẻ về chương trình, ông Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết, ông và nhiều nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam theo dõi chương trình đều bất ngờ và xúc động. Có thể với các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát Cơ động nói riêng, hình ảnh người lính Cảnh sát Cơ động trên sân khấu rất quen thuộc, nhưng với khán giả ở ngoài lực lượng thì sẽ mới, lạ.
Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát Cơ động được chuyển tải rất sinh động trên sân khấu, giúp người xem cảm nhận được về một lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời hiểu hơn về những chiến công của lực lượng Cảnh sát Cơ động với những hy sinh, mất mát, những cống hiến thầm lặng không chỉ của cán bộ, chiến sĩ mà còn của cả thân nhân, nhất là những người vợ, người mẹ của họ.
Ông Trần Hải Đăng cũng cho rằng, các nội dung này đã được chuyển tải rất thành công, nhất là các tiết mục cần có sự biểu đạt của ngôn ngữ hình thể. Khán giả sẽ có dịp cảm nhận đầy đủ hơn khi chương trình được biểu diễn chính thức vào tối 13/4 tại Nhà hát Hồ Gươm.