Biển chiều nay còn hát?

Thứ Ba, 22/03/2022, 07:43

Ngày 21/3, nhạc sĩ Hồng Đăng, cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam đã rời xa cõi thế, để lại niềm tiếc thương vô hạn với đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến ông.

Với những người thân quen, thông tin nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi không quá bất ngờ. Nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, nhạc sĩ Hồng Đăng bị bệnh tim đã khá lâu. Mới đây, khi đến viếng nhạc sĩ Ngọc Châu, người thân trong gia đình của nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, ông đã rất yếu, khó qua khỏi trong năm nay.

Sáng 21/3 thì nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội gọi điện rất sớm, báo tin nhạc sĩ Hồng Đăng mất. Tiếc thương người nhạc sĩ tài hoa nhưng nhiều nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường và nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đều đang trên đường đi công tác nên chưa kịp về thăm ông lần cuối.

Nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng, người yêu âm nhạc thường nhớ ngay đến các ca khúc nổi tiếng rất quen thuộc như “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Lênh đênh”… Tuy nhiên, với người trong giới, Hồng Đăng không chỉ nổi tiếng với các ca khúc, nói như nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi thì nhạc sĩ Hồng Đăng là “người tài hoa toàn diện”. Ông đã sáng tác khoảng hơn 700 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh khí nhạc, nhạc phim… 

Nhiều ca khúc nổi tiếng của ông vốn là nhạc phim. Điển hình là ca khúc “Hoa sữa” được viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Lênh đênh” viết cho phim “Đời hát rong”, ca khúc “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong nhiều phim về đề tài biển… Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.

nhac si hong dang1.jpg -0
Nhạc sĩ Hồng Đăng.

Riêng với mảng sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhiều người trong giới và công chúng yêu âm nhạc từng được nghe ông kể khá nhiều chuyện vui. Đặc biệt trong đó phải kể đến ca khúc “Hoa sữa”. Đây là nhạc phẩm ông viết theo “đơn đặt hàng” của nữ đạo diễn Đức Hoàn cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Khi ông đang bế tắc về đề tài thì được một nhà thơ gợi ý viết về hoa sữa. Dù chưa biết gì về loài hoa này và chỉ được nghe nói đây là loài hoa rất thơm, được trồng nhiều ở đường Nguyễn Du, Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng đã hoàn thành tác phẩm “Hoa sữa” rất nhanh.

Khi ca khúc này nổi tiếng, câu chuyện trên mới được nhiều người biết đến. Thời điểm nhiều địa phương đồng loạt trồng hoa sữa, có người “trách yêu” nhạc sĩ Hồng Đăng là vì ông viết “Hoa sữa” nên mới sinh ra phong trào “nhà nhà cùng trồng hoa sữa”. Hương hoa sữa thơm nhưng đậm đặc quá rất khó chịu. Nghe chuyện, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng hiền hậu “nhận lỗi” rất chân thành.

Nói về bậc “trưởng bối” với tất cả sự nể trọng, nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi cho biết, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những người có đóng góp lớn cho Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội) trong công tác đào tạo. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác đồ sộ, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng là một trong những người đầu tiên viết sách về giảng dạy âm nhạc, là người thầy đáng kính của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

“Nhạc sĩ Hồng Đăng thuộc thế hệ đi trước, mở đường và góp phần xây dựng nền tảng về đào tạo âm nhạc. Ông viết nhiều, sáng tác đa dạng và đề tài nào cũng thành công nhưng sống rất cởi mở, hoà đồng với lớp trẻ. Nhạc sĩ Hồng Đăng là người hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Các sự kiện có mặt ông, kể cả các đợt chấm thi, liên hoan đều rất vui.

Nhạc sĩ có vốn âm nhạc, văn hoá rất sâu, kể cả của phương Đông và phương Tây. Trong các chuyến đi, các đợt làm việc cùng ông, các nhạc sĩ thế hệ  ”hậu bối” chúng tôi thường học hỏi được rất nhiều. Có lẽ đọc nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên có khi ông chỉ thoáng bắt được “tứ” là âm nhạc bật lên rất nhanh. Từ cách sống đến các sáng tác của ông đều thấm đẫm văn hoá Việt Nam, đầy ắp tình yêu và sự gắn bó với quê hương, đất nước. Có lẽ vì thế nên ca sĩ trong Nam, ngoài Bắc, ca sĩ hải ngoại đều chọn hát nhiều và hát rất thành công các ca khúc của ông. Người yêu nhạc nghe ca khúc của ông đều đồng cảm, dễ thấy mình thấp thoáng đâu đó ở trong giai điệu, trong ca từ”, nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi chia sẻ.

Nhớ về nhạc sĩ Hồng Đăng, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông là người đi nhiều, viết nhiều, sáng tác đa dạng. Tất cả các bài hát của ông đều có giọng điệu riêng. Mặc dù xuất thân là một người con xứ Nghệ nhưng sáng tác âm nhạc của ông bao hàm cả những giai điệu, âm hưởng của âm nhạc các vùng miền, tạo ra một ngôn ngữ ca khúc rất riêng của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Cũng theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hiện nay, phần lớn công chúng mới chỉ biết đến một số sáng tác nhạc phim, sáng tác thuộc mảng ca khúc. Nhiều tác phẩm về khí nhạc rất giá trị của ông chưa được dàn dựng, quảng bá rộng rãi.

Năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng là 1 trong 5 nhạc sĩ được Hội đồng cơ sở, Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng Trung ương xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đồng thuận đề nghị Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Điều đáng tiếc là ông chưa kịp đón nhận vinh dự này thì đã qua đời. Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi để lại sự tiếc nuối rất lớn trong giới âm nhạc Việt Nam.

Chia sẻ về nhạc sĩ Hồng Đăng, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Nhạc sĩ Hồng Đăng là người rất uyên bác về âm nhạc. Trong cuộc sống đời thường, ông được người trong giới, các nhạc sĩ nhiều thế hệ kính trọng, yêu quý bởi sự chan hoà, gần gũi, chân thành. Những tác phẩm của nhạc sĩ luôn để lại dấu ấn sâu đậm với công chúng bởi sự dung dị, mộc mạc. Nhạc sĩ ra đi là sự mất mát lớn đối với âm nhạc Việt Nam, để lại sự tiếc thương vô bờ với người thân, đồng nghiệp và người yêu âm nhạc.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Nghệ An. Ông là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng học lớp sáng tác khoá đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới Âm nhạc, là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban Quốc gia Thập kỷ Phát triển Văn hoá quốc tế…

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Ngoài sáng tác âm nhạc, ông còn có nhiều đóng góp trong hoạt động giảng dạy, viết sách, tham gia làm báo… Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, hợp xướng Lửa rực cháy. Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

N.Nguyễn
.
.
.