Báu vật quốc gia sẽ “Châu về Hợp Phố”

Thứ Năm, 19/01/2023, 11:23

Trong nhiều sự kiện văn hóa – xã hội của năm Nhâm Dần 2022, thu hút sự chú ý nhiều nhất, được người dân quan tâm nhiều nhất chắc chắn sẽ là vụ thương thảo thành công để đưa Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" thoát khỏi số phận bị bán đấu giá, có cơ hội để “Châu về Hợp Phố”.

Đó không chỉ là khối vàng ròng nặng 10,78kg mà đó là một phần di sản văn hiến vô giá của đất nước. Thật may mắn, dù phải lưu lạc gần 80 năm ròng, cuối cùng báu vật quốc gia cũng đã được tìm thấy và giữ lại…

Bảo vật quốc gia

Vào ngày 19/10/2022, Nhà đấu giá Millon, ra đời từ năm 1928, có trụ sở chính tại Paris và các chi nhánh ở Nice (Pháp), Bruxelles (Bỉ) đã công bố sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802 - 1945). Đó là một ấn vàng đúc năm 1823, triều Minh Mạng (1820 - 1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917 - 1925).

Website của Nhà đầu giá mô tả rất chi tiết cả hai cổ vật quý giá. Bát vàng (lô số 100/329) có đường kính miệng là 10,4cm, cao 7cm, nặng 456,6g. Mặt ngoài thân bát chạm trổ hình rồng giỡn nước, hốt như ý và thủy ba văn (văn sóng nước). Lòng bát bọc chạm nổi hình lưỡng long triều thủy (hai con rồng chầu cột nước), ở chính giữa khắc nổi bốn chữ “Khải Định niên tạo”. Phía trên bọc một lớp thủy tinh màu nâu đậm. Mặt dưới đáy bát có khắc nổi bốn chữ Hán “Khải Định niên tạo” (chế tác dưới triều Khải Định). Giá khởi điểm của nó, theo catalogue của nhà đấu giá, từ 20.000 - 25.000 euro. Theo thông lệ đấu giá cổ vật, giá tiền khi đến tay người giành được quyền mua sẽ được đẩy lên hàng chục, thậm chí hàng trăm hay cả ngàn lần, tùy theo tuổi chế tác, độ quý hiếm, độ tinh xảo và giá trị văn hóa – lịch sử của nó. Một năm trước đó, tháng 10/2021, một chiếc mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn do hãng Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha) đưa ra đấu giá đặt giá khởi điểm 600 euro, kết thúc phiên đấu giá đã nhảy vọt lên 600.000 euro (chưa tính thuế và phí), nghĩa là tăng đúng 1.000 lần.

Báu vật quốc gia sẽ “Châu về Hợp Phố” -0
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

So với chiếc bát vàng thời Khải Định, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" (lô số 101/329) còn có giá và giá trị hơn bội phần. Chiếc ấn vàng này cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8 x 13,7cm), nặng 10,78kg, bằng toàn vàng ròng. Quai, núm ấn đúc hình một con rồng uốn khúc hai tầng, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “Vương” (vua). Trình độ chế tác của chiếc ấn cực kỳ tinh xảo. Vây lưng (kỳ) và đuôi rồng (long vĩ) dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước. Bốn chân rồng đúc rõ năm móng bám chõe xuống dưới, tư thế rất vững chãi. Theo điển lệ triều Nguyễn, chỉ có nhà vua mới được đúc, thêu, khắc rồng năm móng. Từ vương tôn, hoàng thất trở xuống, bất kỳ ai cũng không được phép dùng biểu tượng rồng năm móng, nếu không muốn bị khép tội khi quân mưu phản, thân bị tội chết và còn liên lụy cả năm đời ba họ.

Tính chính danh của bảo vật cũng được thể hiện rất rõ ràng. Mặt trên, phía hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ Hán “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Đúc vào giờ tốt ngày mùng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 - tức ngày 15/3/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân" (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân – tương đương 10,78kg). Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ theo lối chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của Hoàng đế).

Những thông tin này được thể hiện đầy đủ trong catalogue của nhà đấu giá, ghi đúng theo những gì đã được chép trong sách “Đại Nam thực lục chính biên” do quốc sử quán triều Nguyễn soạn, đã được san định ra chữ quốc ngữ, được NXB Khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản vào năm 1963. Về ý nghĩa của kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, sách “Đại Nam điển lệ” cho biết nó sẽ được nhà vua dùng để đóng dấu vào các dịp trọng đại: “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”.  "Hoàng đế chi bảo” được xem như kim ấn truyền ngôi, báu vật truyền quốc của triều Nguyễn và của quốc gia. Nó là một trong những dấu chứng thể hiện quyền lực cao nhất, quan trọng nhất, quý giá nhất trong gần 200 kim ấn, ngọc tỷ của triều Nguyễn. Vì thế, nó vô giá. Trong catalogue, nó không có giá khởi điểm mà được ghi: “Estimation sur demande” (Giá khởi điểm tùy chọn).

Ngay lập tức, thông tin này đã gây xôn xao dư luận. Từ Huế, Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam đã có liên tiếp nhiều văn thư đề nghị hoãn đấu giá và yêu cầu các cơ quan hữu trách trong nước có những động thái tích cực, thiết thực để “giải cứu” và đưa chiếc kim ấn về lại quê hương. Tuy nhiên, các đề xuất, kiến nghị chỉ nặng về tình cảm, những căn cứ để đưa ra đề xuất đều thiếu tính chính danh, thiếu tính khả thi và đều được gửi đến những đơn vị không có quyền đưa ra quyết định.

Trước tính chất tối quan trọng của vụ việc lẫn mức độ quý giá và quan trọng của báu vật, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc. Ngay từ tối 19/10, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã có báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo Bộ VH-TT&DL cùng các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan nỗ lực và khẩn trương tìm kiếm giải pháp hồi hương kim ấn "Hoàng đế chi bảo". Thông qua con đường ngoại giao văn hóa, Bộ VH-TT&DL chủ trì cùng các bộ, ngành đã xây dựng phương án, tổ chức đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với Nhà đấu giá  Millon, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương kim ấn, tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật của Việt Nam và Cộng hòa Pháp...

Báu vật quốc gia sẽ “Châu về Hợp Phố” -0
Chữ triện “Hoàng đế chi bảo” trên ấn.

Nhờ những nỗ lực khẩn trương này, nhà đấu giá đã dời phiên đấu giá từ 31/10 sang 10/11, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương thảo, tìm các biện pháp khả thi để báu vật quốc gia không lọt về tay các tỷ phú – nhà sưu tầm xứ khác. Đúng 7h sáng ngày 31/10/2022, ngày ban đầu dự kiến sẽ tổ chức đấu giá, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” và kim bát thời Khải Định đã chính thức được đưa ra khỏi danh mục cổ vật được đấu giá. Hẳn tiến trình hồi hương sẽ còn nhiều bước gian nan, nhưng bước đầu, những nỗ lực thương thảo để giữ lại di sản quốc gia đã có kết quả.

Hào quang một thuở

Thực chất, ngọc tỷ và kim ấn (thời nhà Nguyễn gọi là kim bảo tỷ) đều là ấn chương, ấn triện, tức con dấu của các bậc vua chúa để đóng vào các chiếu, chỉ, dụ... truyền xuống thiên hạ. Điểm khác nhau: ngọc tỷ được chế tác bằng các loại ngọc quí nguyên khối, còn kim ấn thì được đúc bằng vàng khối.

Tương truyền, hình thức “ấn chương” (đóng dấu) và các loại tỷ, ấn bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc cổ đại từ 2.500 năm trước Công nguyên. Sách "Xuân Thu vận đẩu khu" chép: “Hoàng đế thời, hoàng long phụ đồ trung hữu tỷ chương” (thời Hoàng Đế có con rồng vàng đội hòm đồ thư trong có tỷ chương). Từ “truyền thuyết” này, các loại ngọc tỷ, kim ấn của Trung Quốc, Việt Nam đều được chế tạo theo hình thức có núm (tay cầm) mang hình rồng cuộn. Rồng cũng có khi được thay bằng lân, thiềm thừ (con cóc)…, nhất là trong trường hợp ấn, tỷ của vương hậu, không phải của vua. Phần đáy của tỷ, ấn thường có dạng hình vuông, viền ngoài, bên trong khắc theo lối chữ triện. Luôn luôn chữ “tỷ” - cho ấn ngọc hoặc chữ "bảo" - cho ấn vàng là chữ đứng cuối cùng trong những chữ được khắc ở mặt đáy.

Báu vật quốc gia sẽ “Châu về Hợp Phố” -0
Bát vàng thời Khải Định.

Ngay cả không phải ấn tỷ của vua, núm, quai cũng chỉ đắp, tạc lưỡng long hoặc độc long, không làm gì có loại cửu long (9 con rồng) như mơ ước của những kẻ thiếu hiểu biết, thừa tham vọng, thường đặt đúc để làm hàng mã, hàng giả, bán cho những người ưa màu mè làm vật trang trí hoặc để đi lừa đảo.

Ngay từ khi kéo quân vào hùng cứ phương Nam bắt đầu cuộc giao tranh hàng trăm năm với họ Trịnh, Chúa Nguyễn Hoàng đã cho khắc kim bảo truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm bảo vật truyền ngôi cho toàn bộ các dòng chúa - vua nhà Nguyễn về sau. Toàn bộ 9 đời chúa Nguyễn đều sử dụng kim bảo này.

Ngay sau khi vừa lên ngôi (1802), hoàng đế Gia Long đã cho đúc ngay kim ấn “Ngự tiền chi bảo”, mặt triện hình bầu dục kích thước 2,5 x 3 cm, sử dụng như “con dấu chính thức” của vương triều. Khác với tất cả các loại ngọc tỷ, kim ấn khác, “Ngự tiền chi bảo” không khắc lối chữ triện mà khắc chữ chân, nét khắc đậm, nhạt như phóng bút trên giấy.

Tuy nhiên, cả hai tỷ, ấn nói trên đều chưa phải là ấn chương cổ nhất của triều Nguyễn. Vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828), một người học trò là Nguyễn Đăng Khoa ở Quảng Trị tình cờ đào được và dâng lên hoàng đế một ngọc tỷ xanh biếc rất đẹp, mặt triện ghi 4 chữ “Vạn thọ vô cương”, không xác định được năm khắc, nhưng chắc chắn là được chế tác từ thời các chúa Nguyễn. Vua Minh Mạng rất quí ngọc tỷ này, thường dùng nó đóng lên các ấn chiếu, cáo văn nhân lễ vạn thọ, dù ngọc tỷ này được khắc vào thời nào thì vẫn chưa được xác định. Ngoài ra, mỗi lần tìm được ngọc quí, hoàng đế Minh Mạng lại một lần cho khắc thêm ngọc tỷ.

“Hoàng đế chi tỷ” được khắc bằng bạch ngọc năm 1835, dùng đóng triện các chiếu văn cải niên hiệu, đại xá, ban ân, phong quan tước. “Hành tại chi tỷ” được khắc bằng bạch ngọc vào năm 1837, được sử dụng trong các chuyến hoàng đế vi hành tuần thú. Năm 1839, hoàng đế Minh Mạng đổi quốc hiệu thành Đại Nam và cho khắc “Đại Nam thiên tử chi tỷ” bằng bích ngọc, dùng đóng trên các sắc thảo chỉ dụ cho người nước ngoài hoặc dùng khi tuần thú.

Hoàng đế Thiệu Trị cũng khắc khá nhiều ngọc tỷ. Năm 1844, ông vua này đã cho khắc 2 chiếc một lúc, một lớn một nhỏ. Chiếc lớn là “Đại Nam hoàng đế chi tỷ”, được dùng như ngọc tỷ “Đại Nam thiên tử chi tỷ” của hoàng đế Minh Mạng, chiếc nhỏ “Thần hàn chi tỷ” để đóng các chỉ dụ trong cung.

Lớn và đẹp nhất trong các ngọc tỷ triều Nguyễn là “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” được khắc vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Ngọc tỷ này được chế tác ròng rã một năm trời mới hoàn tất. Ngày 15/3/1846, đích thân hoàng đế Thiệu Trị đã tổ chức một buổi lễ long trọng để bố cáo trời đất, kính yết tổ tiên, trước khi cho khắc chữ lên mặt triện. Ngọc tỷ quí giá này sau đó đã được xem như ấn triện truyền ngôi, mang biểu tượng quyền lực cao nhất của nhà Nguyễn các đời sau, rất ít khi được đem ra sử dụng.

Đời Khải Định, thêm 2 quốc tỷ nữa đã được khắc là “Khải Định hoàng đế ngọc tỷ” và “Khải Định hoàng đế chi tỷ”.

Báu vật quốc gia sẽ “Châu về Hợp Phố” -0
Nghi thức trao trả Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” và thanh kiếm Khải Định cho Quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt năm 1952.

Ngoài ra, còn hàng chục loại ngọc tỷ khác, ít quan trọng hơn, được dùng có tính chất đóng dấu riêng tư ở mỗi triều vua Nguyễn cũng đã được khắc, với kích thước nhỏ hơn, chất liệu ngọc cũng ít quí hơn. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, dưới hai thời Gia Long và Minh Mạng, có 20 kim ấn và ngọc tỷ được tạo tác, trong đó dưới thời Gia Long (1802 - 1820) là 6 chiếc và thời Minh Mạng (1820 - 1841) là 14 chiếc. Vì ghi chép này, nhiều tài liệu, bài báo sau này đã nhầm lẫn, đánh giá rằng “Hoàng đế chi bảo” là một trong 20 kim ấn ngọc tỷ quan trọng nhất của triều Nguyễn. Thực tế, nó quan trọng hơn thế, được coi như bảo vật truyền ngôi từ thời Minh Mạng trở về sau, vai trò quan trọng chỉ đứng sau “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” từ thời Chúa Nguyễn Hoàng và  “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” được khắc vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).

Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng, sau khi đúc xong “Hoàng đế chi bảo”, nhà vua lại cho làm một cái hòm bằng gỗ hoa lê chạm rồng mây, 4 góc bịt vàng, ổ khóa và chìa khóa đều làm bằng vàng nguyên chất để cất giữ ấn, đặt trong điện Cần Chánh. Quy định sử dụng ấn cũng được Hoàng đế ban ra cụ thể: “Phàm các khánh tiết ban ân xá tội và dự bảo thân huân, hay đi tuần thú xem xét các địa phương, cùng với các Sắc văn ban cho nước ngoài thì dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”. Vì là ấn quan trọng nên nó luôn được vua Minh Mạng mang theo bên mình mỗi khi nhà vua xuất cung, việc sử dụng do chính nhà vua quyết định. Trong khi đó, các loại ấn tỷ khác, trước khi sử dụng  đều  do nội các bàn bạc, thống nhất và làm sớ tâu lên nhà vua trước vài ngày.

Hành trình lưu lạc của kim ấn

Thực tế, đến tận tháng 8/1945, “Hoàng đế chi bảo” là kim ấn lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất mà nhà Nguyễn vẫn đang lưu giữ. Vì thế, khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, hoàng đế Bảo Đại đã chọn nó trong số các ấn triện các loại còn lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng (trong Hoàng thành Huế), cùng với thanh bảo kiếm được vua Khải Định (1916 - 1925) truyền lại, để bàn giao cho chính quyền Cách mạng như một cách trao lại biểu tượng quyền lực.

Ấn kiếm đã được ông Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền Cách mạng tiếp nhận và chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình vào chiều ngày 2/9/1945.

Tháng 12/1946, Pháp tái chiếm Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút lên chiến khu Việt Bắc, bộ ấn kiếm nhà Nguyễn được đem giấu trong một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, vốn là một xưởng in tiền của Việt Minh.

Theo thông tin tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I  thì “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn được phát hiện tại xã Nghĩa Đô, quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái vào năm 1952. Biên bản về việc phát hiện ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô lập hồi 16h ngày 28/2/1952, lưu trong hồ sơ số 3262, tệp Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.

Biên bản ghi: “Nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn phá hết cả tường của Hà Văn Dô (Hà Văn Đô/ Hà Đô?) tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô hiện nay còn ở hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh… Bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ ấn và kiếm này là bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đem chôn giấu vào móng tường nhà này”.

Lưu ý là căn nhà này đã bị chính quyền quân sự Pháp phá hủy năm 1947. Khi phá nó, phía Pháp đã thu được một số lượng nhỏ vàng và một số máy in do Việt Minh bỏ lại.

Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tập VIII, quyển 225, sau khi lấy được bộ ấn kiếm trên, ngày 3/3/1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng tại Đà Lạt, thủ phủ của “Hoàng triều cương thổ” để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại “Quốc trưởng” do Pháp dựng lên.

Theo ghi chép của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, bà Mộng Điệp - thứ phi của vua Bảo Đại cho biết: “Để khỏi sợ mất một lần nữa, ông Bảo Đại giao cho Nguyễn Duy Trinh (em ruột Nguyễn Duy Quang) ở Sài Gòn đóng một cái cốp sắt đem lên để giữ hai báu vật nầy và một cái mũ của vua Gia Long do Đức Từ Cung mang từ Huế lên. Cái mũ nầy bện bằng tóc, có kết chín con rồng tí ti bằng vàng. Năm 1953, chiến tranh trở nên ác liệt, không dám đem cặp ấn kiếm về Huế. Cuối cùng ông Bảo Đại viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt”…

Cặp ấn kiếm này được hoàng tử Bảo Long giữ và được gửi tủ sắt của Liên Ngân hàng châu Âu (Union des banques européennes). Sau khi kết hôn với bà Monique Baudot vào năm 1982, Bảo Đại đã rơi vào cảnh khá nghèo khó, sống bằng tiền trợ cấp của nhà nước Pháp. Do đó, ông đã làm đơn kiện con trai Bảo Long đòi lại cặp ấn kiếm. Tòa xử giao ấn lại cho Bảo Đại, còn Bảo Long thì được giữ cây kiếm. Nhưng cũng như người cha, hoàng tử Bảo Long cũng đang hồi túng thiếu nên đã đem thanh kiếm bán mất.

Bảo Đại qua đời, bà Monique Baudot (người Pháp) là người thừa kế toàn bộ gia sản của cựu hoàng Bảo Đại, trong đó có ấn “Hoàng đế chi bảo”. Thông tin về chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” cũng bặt tăm, cho đến khi bà Hoàng cũng qua đời vào năm 2021. Đối với những người thừa kế của bà, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” không có ý nghĩa thiêng liêng, quan trọng gì khác ngoài một khối vàng ròng được chế tác rất đẹp. Và bằng cách nào đó, nó được đưa vào danh sách các cổ vật phương Đông được đưa lên sàn đấu giá.

Ngoài việc gắn với những ý nghĩa lịch sử của từng giai đoạn, kim ấn, ngọc tỷ còn là một hoài niệm tô điểm cho sự lộng lẫy, rực rỡ của vương triều phong kiến, đáng để ngưỡng mộ. Nhưng, những biến động thời cuộc đã khiến những kho báu vô giá ấy tản mác, mai một. Rất may, bằng sự quan tâm và nỗ lực, kim ấn truyền ngôi một thời đã có cơ hội để một ngày Châu về Hợp Phố, đoàn tụ cùng đất nước và nhân dân. Hào quang của quá khứ lại sẽ có ngày bừng lên giữa lòng dân tộc.

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.