Báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo đầu tiên
Sáng 26/10, tại Hà Nội, Báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) long trọng kỷ niệm 75 năm ngày ra số đầu tiên. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo Báo Văn nghệ công bố bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Báo Văn nghệ là một trong những địa chỉ tiêu biểu của nền báo chí cách mạng nước nhà; luôn luôn đồng hành cùng những chặng đường vẻ vang của Đảng, của dân tộc; góp phần cùng các cơ quan báo chí trong nước hoàn thành tốt trọng trách của báo chí cách mạng Việt Nam.
“Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, Báo Văn nghệ không chỉ mang những thành tựu sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ đến với nhân dân, mà còn là diễn đàn trao đổi học thuật, đưa đường lối văn nghệ của Đảng đến với các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ; đồng thời là cầu nối để giới văn nghệ đóng góp ý kiến, thể hiện sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển văn hoá dân tộc, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Cuối thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và mong rằng “dưới ánh sáng của các nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất định những người làm Báo Văn nghệ cùng với đội ngũ cộng tác viên hùng hậu của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, đoàn kết, ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ để có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí có giá trị cao, xứng đáng là một trong những cơ quan báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta”.
Đọc diễn văn kỷ niệm, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ cho biết, tháng 3/1948, Hội Nghị Văn nghệ kháng chiến được triệu tập tại chiến khu Phú Thọ với quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Để tạo một diễn đàn cho văn nghệ kháng chiến, tờ Tạp chí Văn nghệ đã được ra đời với một Ban biên tập gồm nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trong cả nước hội tụ về do đồng chí Tố Hữu, một cán bộ văn hóa tư tưởng quan trọng được Trung ương Đảng chỉ định làm người lãnh đạo đầu tiên.
“Từ ngày ra đời số báo đầu tiên tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, tới ngày hôm nay Báo Văn Nghệ đã đi được một chặng đường dài trọn vẹn 75 năm với biết bao thăng trầm, gian lao. Trong 75 năm ấy dù trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo tới đâu Tạp chí Văn Nghệ và sau đó là Báo Văn Nghệ cũng chưa từng lỗi hẹn với bạn đọc, bạn viết của mình”, nhà văn Khuất Quang Thụy nhấn mạnh.
Cũng theo nhà văn Khuất Quang Thụy, với tôn chỉ mục đích đã được xác định từ khi ra đời, đồng hành cùng dân tộc và đất nước, với những thành tựu xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc, Báo Văn nghệ xứng đáng với những tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch trao tặng, cùng với lời tuyên dương “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, phản ánh cuộc sống mới con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền văn nghệ cách mạng Việt Nam”.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, Báo Văn nghệ đóng góp một phần trong trong lịch sử đất nước, trong lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam. “Biết bao thế hệ đã lớn lên với những bài thơ, trang văn, bài báo của Báo Văn nghệ. Bởi thế, tôi mong muốn lãnh đạo Báo Văn nghệ hôm nay phải làm thế nào để số hóa những tờ Báo Văn nghệ ngày xưa, hãy cho bài thơ, trang văn, bài báo bất hủ ngày xưa tỏa sáng trên không gian số”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong mỏi.
Thay mặt cơ quan chủ quản, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, Báo Văn nghệ chính là di sản của nền báo chí cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo tờ báo hôm nay là phải giữ gìn di sản đó mãi mãi. “Mặc dù làm báo trong thời đại hôm nay phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tuy nhiên nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực hơn nữa thì tôi tin tờ báo sẽ tiếp tục có những bước tiến mới”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kỳ vọng.
Cũng nhân dịp này, Báo Văn nghệ ra mắt giao diện Báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và ra mắt báo Văn nghệ Trẻ điện tử tại địa chỉ: vannghetre.com.vn và vannghetre.vn.