Bảo tồn văn hóa truyền thống ở vùng núi Nam Giang
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Nam Giang có hơn 80% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Ve, Ta Riềng,… Những năm qua, song song với công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, huyện Nam Giang rất chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thể thao (VHTT) truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó còn phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm VHTT và truyền thanh - truyền hình huyện Nam Giang cho biết, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị VHTT truyền thống được Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện rất quan tâm. Đặc biệt là sự ủng hộ, hưởng ứng của bà con nhân dân, nhất là những người lớn tuổi, già làng, trưởng bản với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc và các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Các khu thiết chế như Nhà VHTT, sân vận động, dụng cụ thể dục thể thao được duy trì hoạt động phục vụ người dân tập luyện thường xuyên. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai làm tốt xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, hằng năm đều tổ chức được hàng trăm buổi văn nghệ, hội thi, hội diễn thông qua các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương.
Công tác quy hoạch đất đai dành cho thiết chế VHTT được các cấp chính quyền quan tâm. Đến nay đã có 12/12 xã, thị trấn có quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch đất dành cho hoạt động VHTT. Trung tâm VHTT các xã, thị trấn đã tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là lực lượng thanh niên, thiếu nhi và người cao tuổi.
“Phong trào VHTT trên địa bàn huyện những năm gần đây có sự phát triển rộng khắp, với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân. Từ việc phát triển phong trào VHTT của huyện mà trong năm 2023, chúng tôi đã chọn ra nhiều vận động viên, diễn viên quần chúng tham gia thi đấu, trình diễn ở các giải lớn đều đoạt giải cao”, ông Dũng phấn khởi thông tin thêm. Điển hình, huyện Nam Giang tham gia 9 môn thể thao quần chúng tại Ngày hội VHTT và du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 và xếp Nhất toàn đoàn. Ngoài ra, huyện Nam Giang đã đại diện tỉnh Quảng Nam tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại tỉnh Bình Định năm 2023, đạt nhiều thành tích cao, trong đó về thể thao chúng tôi đạt kết quả đứng vị trí Nhất toàn đoàn.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng VHTT huyện Nam Giang, trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, huyện đã thành lập thí điểm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ xã Tà Bhing với hàng chục nghệ nhân tham gia; các đội cồng chiêng, câu lạc bộ nói lý, hát lý ở các xã, thị trấn được xây dựng và duy trì tốt các hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn phối hợp tổ chức truyền dạy bảo tồn các điệu múa Tân tung, Da dá; truyền dạy nhiều loại hình nghệ thuật như điêu khắc gỗ truyền thống, thi kể chuyện cổ tích, trình diễn dệt thổ cẩm, tổ chức Hội thi ẩm thực truyền thống của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Đáng chú ý, Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” của huyện Nam Giang được tổ chức 2 năm/lần với hàng trăm nghệ nhân, diễn viên của 12 xã, thị trấn tham gia với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, qua đó đã góp phần vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, vào các dịp lễ hội, Tết truyền thống, các địa phương, trường học trên địa bàn huyện còn tổ chức các hoạt động ngày Tết quê em, chương trình biểu diễn văn nghệ mừng Đảng đón xuân, trong đó chú trọng đến các di sản văn hóa truyền thống như biểu diễn trống chiêng, biểu diễn trang phục truyền thống Cơ Tu, Ve, Tà Riềng.
Đặc biệt, huyện Nam Giang rất chú trọng đến bảo tồn và phát huy giá trị VHTT truyền thống gắn với du lịch, điển hình là đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Za Ra và HTX du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu Nam Giang, phục vụ du khách thưởng thức hát lý, nói lý, cồng chiêng và ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Trong đó, HTX dệt thổ cẩm Za Ra được thành lập vào năm 2011, với lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân nữ thuộc thôn Za Ra (nay là thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing), mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, phục vụ du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân tại đây.
Huyện Nam Giang đã hướng dẫn, định hướng cho HTX dệt thổ cẩm Za Ra đầu tư, sản xuất nhiều mặt hàng lưu niệm phù hợp với thị hiếu của du khách; đồng thời, phối hợp với Tổ chức FIDR (Nhật Bản) kết nối với các điểm bán hàng tại Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, tại các hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Ngoài ra, huyện Nam Giang đã tổ chức tái hiện phục dựng 2 nghi thức truyền thống gồm Lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng (nhánh đồng bào Tà Riềng) tại xã Đắc Tôi và Lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing; trang bị các dụng cụ, thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa truyền thống cho các thôn với 11 bộ cồng chiêng cho 11 thôn, 7 dàn âm thanh cho nhà văn hóa 7 thôn trên địa bàn huyện.
“Thời gian tới, huyện Nam Giang định hướng tiếp tục tập trung phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị VHTT các dân tộc thiểu số; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó sẽ triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ”, ông Hùng thông tin thêm.