Bảo tồn tranh gương cung đình Huế

Chủ Nhật, 19/09/2021, 08:51

Tanh gương (tranh kính) cung đình Huế là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang bản sắc riêng, giàu giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản tranh gương quý giá có từ thời triều đình nhà Nguyễn vẫn đang còn hạn chế.

Theo thống kê, hiện tranh gương thời triều Nguyễn để lại còn tồn tại với số lượng khoảng 100 bức đang được Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế lưu giữ, bảo quản. Những bức tranh quý này đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (điện Long An và kho hiện vật); cung Diên Thọ; lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân); lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức); lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm); lăng Dục Đức (điện Long Ân); lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén)...

Các nhà nghiên cứu Huế khẳng định, tranh gương cung đình Huế là loại hình tranh mang bản sắc riêng bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng rất cầu kỳ, tinh tế. Loại tranh này dùng chất liệu bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương, tức vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương (vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản). Về nguồn gốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, tranh gương Cung đình do triều Nguyễn đặt hàng (ký kiểu) từ Trung Quốc, được vẽ theo mẫu do Bộ Công vẽ dưới hình thức mộc bản.

Còn ông Phan Thanh Bình đưa ra ý kiến: “Kỹ thuật vẽ ngược chiều như tranh gương đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Do kỹ thuật phức tạp, tư duy về mặt hình tượng rất riêng, người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải) nên đòi hỏi sự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu. Trong từng đường nét cũng phải tính toán nét trên hay nét dưới, độ đậm như thế nào, từng mảng màu chồng, phối hợp thế nào để tạo ra hiệu quả của thị giác. Bố cục, không gian, tả về chiều sâu cũng vậy. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo và tinh tế của tranh gương, điều này làm nên những đặc trưng riêng của tranh gương cung đình mà không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được”.

Bảo tồn tranh gương cung đình Huế -0
Tranh gương được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói rằng, tranh gương là loại hình tranh độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế thời triều đình nhà Nguyễn, nhưng đến nay vẫn chưa có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu và bảo tồn đúng mức về thể loại tranh này.

Với người thưởng lãm hay du khách, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình. Nhưng với các nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là cứ liệu lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan. Bên cạnh đó, tình trạng trưng bày và bảo quản các bức tranh gương tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế hiện còn khá lộn xộn. Vì thế cần có sự sắp xếp, trưng bày lại các bức tranh gương theo các chủ đề thống nhất, như nhóm tranh về “Thần kinh nhị thập cảnh”, nhóm tranh đề vịnh các mùa trong năm. 

Trung tâm BTDT Cố đô Huế hiện đang quản lý số lượng tranh gương nhiều nhất và trong thời gian qua, đơn vị đã có nhiều nỗ lực bước đầu nhằm phục chế một số bức tranh gương bị hư hỏng, xuống cấp để đem ra tái trưng bày. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bức tranh gương quý đã bị hư hỏng trầm trọng nhưng vẫn chưa được tu sửa. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự đầu tư nghiên cứu nhằm phục hồi kỹ thuật phục chế, tôn tạo loại tranh độc đáo này nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của tranh gương cung đình.

Anh Khoa
.
.
.