Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gặp khó vì vướng nhiều quy định

Thứ Bảy, 14/10/2023, 08:07

Hàng loạt vấn đề bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra trong dự thảo tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Thiếu cơ chế huy động nguồn xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Theo Cục Di sản văn hóa, hiện nay, trên cả nước có trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt. Trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê. 498 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 196 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập), đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt xét duyệt.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gặp khó vì vướng nhiều quy định -0
Ứng dụng công nghệ giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút khách tham quan.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cần nguồn lực lớn. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, chưa huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… Hiện nay, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội nên có thể thu hút doanh nghiệp đóng góp cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, việc không có cơ chế, không được hưởng chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất và do lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút nguồn lực cho hoạt động này. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Đầu tư tu bổ di tích còn thấp nên mới chỉ thực hiện chống đỡ cục bộ, chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài và trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, mua sắm trang bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật… Hiện nay, chưa có các quy định về chức năng nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng, chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước hay các quy định về thẩm quyền thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo tàng, các dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.

Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh nhưng chưa được quy định trong hệ thống pháp luật

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 9 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Tuy nhiên, chúng ta chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO; thiếu nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO…

Đặc biệt, di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Trong khi đó, Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu, Việt Nam tham gia Chương trình này từ năm 2007, 15 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình. Ngoài các di sản tư liệu được đã được UNESCO, di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới ngày càng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… cũng rất đa dạng về loại hình, là tài liệu, tư liệu rất tiềm năng nhưng nhiều di sản có nguy cơ bị mai một, biến mất…

Được biết, dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

N. Nguyễn
.
.
.