Bảo tồn nhà rường Huế, nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô
Nhà rường Huế là một công trình độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Nhưng do tác động của thời gian, thiên tai cùng với nhiều biến cố lịch sử và cơ chế thị trường, một số lượng lớn nhà rường Huế bị xuống cấp, biến dạng và bê tông hóa…
Trước thực trạng đó, đã có rất nhiều hiến kế được đưa ra để “cứu” nhà rường Huế tại cuộc hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế được tổ chức vào cuối tháng 10/2021.
Theo TS. Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với tham quan, trải nghiệm tại các nhà rường Huế đã được triển khai phát triển khá mạnh. Khách du lịch ngày càng mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống, văn hóa của người dân Huế, nhất là các địa phương còn lưu giữ các giá trị của những ngôi nhà rường truyền thống.
Điểm đặc biệt có thể thấy là đa số các nhà rường đều có vườn rất đẹp. Việc tham quan các nhà rường truyền thống kết hợp với các điểm di tích kiến trúc, văn hóa, lịch sử truyền thống tại các địa phương là một trong những lợi thế riêng có của Huế để khai thác các tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và loại hình homestay tại địa phương.
Còn TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế nhìn nhận, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có. Mặt khác, một số ngôi nhà rường đã dần xuống cấp. Dưới những tác động của thời gian, thiên tai cùng với nhiều biến cố lịch sử và cơ chế thị trường, một số lượng lớn nhà rường Huế bị xuống cấp, biến dạng và bê tông hóa…
Cùng với nhận định đó, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường, nhà ống hiện đại cũng đã xuất hiện, khu vườn chuyển đổi thành nhà hàng, quán cà phê. Một số nhà rường Huế còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và nền kinh tế thị trường…
Trước những thực trạng trên, các nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, cần nghiên cứu khảo sát một cách khoa học để đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường Huế trong bối cảnh đương đại. Cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này.
Để các cơ sở sản xuất nhà rường tạo dựng cho mình một nhận diện thương hiệu đối với nhà rường, quảng bá thương hiệu nhà rường đi khắp trên cả nước và có thể xuất khẩu. Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch cũng như đưa các mô hình nhà rường có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm nhà rường Huế ra thị trường ngày càng lớn hơn. Đưa di sản nhà rường vào chiến lược phục vụ du lịch, góp phần quảng bá nét đặc sắc di sản văn hóa Huế và tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn. Trong định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường Huế, cần tập trung công tác định hướng, quy hoạch, bảo tồn và khôi phục nhà rường; tạo điều kiện thuận lợi, huy động các nguồn lực hỗ trợ cơ chế chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị nhà rường truyền thống Huế; liên kết, hợp tác, phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm tại các nhà rường truyền thống Huế…