Bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế ra mắt ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, giới thiệu 1.500 bài thơ đặc sắc trên các công trình kiến trúc Cố đô Huế, giúp công chúng có thể tiếp cận và hiểu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
Đi qua chiến tranh khốc liệt cùng những biến thiên của thời gian, những áng thơ văn này không chỉ là ký ức một triều đại, làm đẹp cho các công trình, mà đó là một di sản của dân tộc, của nhân loại; mang giá trị lịch sử, văn học, nghệ thuật và kiến trúc vô cùng độc đáo.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống di sản thơ văn này là một bảo tàng sống động, độc đáo về văn chương thời Nguyễn. Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là những áng văn thơ tinh túy nhất vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, các quan triều Nguyễn; được chạm, khắc, khảm, cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình Huế trong giai đoạn 1802-1945.
Qua thống kê, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có tổng cộng 2.547 đơn vị thơ (tính bằng đơn vị ô thơ) được chạm, khảm, vẽ tráng men, đắp nổi… trên các loại chất liệu gỗ (2.386 đơn vị), pháp lam (109 đơn vị) và sành sứ (52 đơn vị) của 10 công trình di tích chính thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, điện Long An, lăng vua Dục Đức và lăng vua Đồng Khánh).
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, các bài thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa”, hoặc “nhất tự nhất họa”. Mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn; câu đối thì khá đa dạng, không cố định số chữ; đại tự thì chủ yếu là các mỹ tự với ý nghĩa tốt đẹp.
Thư pháp và cách thức thể hiện rất phong phú, đủ cả 4 loại hình: chân, thảo, triện, lệ; xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau. Tùy vào chất liệu (gỗ, đồng, đá, bê tông, vôi vữa…), những nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn những màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện để những áng thơ văn và các bức tranh đi kèm trở nên nổi bật, hoặc lung linh, hoặc mờ ảo, hoặc trang nhã, phù hợp với bối cảnh cụ thể.
Tiêu biểu nhất là bài thơ khắc ở gian chính giữa điện Thái Hòa: Nước ngàn năm văn hiến/Thống nhất muôn dặm xa/Từ Hồng Bàng mở cõi/Trời Nam một sơn hà (Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu). Là ngôi điện quan trọng nhất trong không gian của Hoàng thành; việc trùng tu, hạ giải điện Thái Hoà sắp tới được nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, trong đó có việc bảo tồn hệ thống thơ văn. Triều Nguyễn gửi gắm vào các ô thơ trang trí trong điện Thái Hòa như những lời tuyên ngôn của triều đại, khẳng định chủ quyền đất nước cũng như khả năng xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc.
Thơ văn còn ca ngợi sự thịnh trị của triều đại và công lao của các bậc đế vương đã mở mang bờ cõi, đem đến nền độc lập cho nhân dân; ca ngợi thành quả của nền chính trị, giáo hóa đặt nền tảng từ tư tưởng trung hoà và chí đức. Thơ ở điện Thái Hoà còn có tính chất châm ngôn, là phương châm rèn luyện của vua quan. Bên cạnh đó, nhà vua còn gửi gắm ước mơ vào câu thơ với mong muốn thái bình thịnh vượng, đề cao chủ trương trọng nông, thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, điều hòa thủy hạn, mùa màng bội thu, dân cư an lạc…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: Ngoài giá trị lịch sử, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, Điện Thái Hòa còn chứa đựng một phần thơ văn kiến trúc cung đình đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đáng lưu ý là, ở nội thất chỉ có 115 bài nguyên vẹn, 3 bài bị mất chữ hoặc chưa xác định được chữ; ở ngoại thất chỉ có 64 bài nguyên vẹn, 10 bài mất toàn bộ, 9 bài mất một số chữ hoặc chưa xác định được chữ. Vì vậy, cần có một hạng mục riêng về tu bổ, phục hồi hệ thống “nhất thi nhất họa”, “nhất thi nhất tự” trong kiến trúc điện Thái Hòa”…
Hiện, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản tư liệu, toàn bộ hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được trung tâm quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ, hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc. Nội dung tư liệu này còn được dịch thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ độc giả tra cứu bằng các bộ mục lục truyền thống và mạng thông tin.