Bản dịch “Nhật ký trong tù” có nhiều bài thơ lục bát nhất

Thứ Năm, 18/05/2023, 13:05

Chưa thể thống kê đầy đủ số lượng bản dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, tuy nhiên có thể khẳng định, cho đến nay chưa có bản dịch nào lại có nhiều bài thơ lục bát như của Quách Tấn (1910-1992). Việc dịch theo thể lục bát mang đến sự gần gũi, thân thuộc và dễ tiếp cận với bạn đọc trong nước hơn.

Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu Hán học, PGS.TS Lê Văn Toan tại buổi tọa đàm ra mắt sách “Nhật ký trong tù” qua bản dịch của dịch giả, nhà thơ Quách Tấn, do Trung tâm Sách quốc gia (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) phối hợp sàn sách trực tuyến quốc gia book365 tổ chức, sáng 18/5 tại Trung tâm Sách quốc gia (24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chưa có bản dịch “Nhật ký trong tù” nào có nhiều bài thơ lục bát như của Quách Tấn -0
Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Lê Văn Toan tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, bạn đọc đã được nghe những chia sẻ hết sức thú vị, những câu chuyện xúc động từ các vị diễn giả về ngọn nguồn, nguyên do dịch giả, nhà thơ Quách Tấn dịch “Nhật ký trong tù”, về “hành trình” với biết bao “duyên kỳ ngộ”, để rồi với sự ủng hộ của gia đình nhà thơ, sự giúp đỡ của nhà sử học Dương Trung Quốc - người được Quách Tấn gặp gỡ, cảm mến, giới thiệu bản dịch của mình và ông nhận thấy bản dịch này “chữ thật đẹp, dịch thật hay và lại muốn giới thiệu cho mọi người cùng đọc". Tác phẩm “Nhật ký trong tù” một lần nữa được đến với bạn đọc qua bản dịch mới của thi sĩ tài hoa nơi “xứ trầm biển yến”.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, điều khó khăn nhất với ông là thuyết phục gia đình dịch giả, nhà thơ Quách Tấn để xuất bản bản dịch “Nhật ký trong tù”, bởi sinh thời trong lần gặp gỡ, nhà thơ dặn ông “chỉ xem và không được lan truyền ra ngoài”. “Tôi đã bàn bạc, thuyết phục nhà văn Quách Giao là con trai của cụ Quách Tấn, bởi tôi nhìn thấy giá trị rất lớn của bản dịch này. Thế hệ trẻ cần thấu hiểu văn chương của Bác Hồ và đọc bản dịch này chính là cách để nhìn nhận rõ hơn về văn chương của Người”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tọa đàm, PGS.TS Lê Văn Toan đã giải thích vì sao Quách Tấn không để là “dịch” mà lại để là “phỏng dịch” tập thơ “Nhật ký trong tù”. “Có lẽ Quách Tấn khiêm tốn vì biết ở Việt Nam có nhiều người am hiểu chữ Hán và đã dịch thành công “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Hơn nữa, việc để “phỏng dịch” sẽ cho phép người dịch được tung tẩy dịch theo cảm xúc của mình và dịch phần lớn các bài thơ theo thể lục bát chính - một sáng tạo của Quách Tấn”, PGS.TS Lê Văn Toan bộc bạch.

Ngô Khiêm
.
.
.