Bạc Liêu khai mạc liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ
Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022 là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Sáng 23/11, tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đã diễn ra khai mạc “Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022”, từ 23 đến 25/11.
Tham gia liên hoan có 8 đội đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tình cùng 2 đội đến từ Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ của Ban Quản lý di tích tỉnh và sân khấu Dạ cổ hoài lang (Hội văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu). Mỗi đội có 15 thành viên, thi 6 tiết mục, gồm: hòa tấu, độc tấu, hoặc ca ra bộ với thời lượng tối đa 60 phút.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông Nhạc Khị là người đầu tiên thành lập Ban cổ nhạc ở Bạc Liêu. Nhạc Khị có một câu nói rất nổi tiếng mà nhiều thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ ngày nay vẫn thường nhắc đến: “Chơi đờn ca tài tử là coi như ra trận; hễ ca sai lời, sai nhịp, sai giọng; đờn sai nhạc, sai nhịp là coi như không phải đờn ca tài tử”.
“Bạc Liêu tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc Bạc Liêu qua các thời kỳ, như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa… và đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang. Chính bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc và năm nay tròn 100 năm ra đời của bản nhạc lòng bất hủ này”, bà Phương nói.
Trước đó, chiều 22/11, tại Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã diễn ra “Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer”, với sự tham gia của hơn 100 diễn viên không chuyên của 8 đội đến từ các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.