Xuân Diệu và những bài thơ ngoài tình yêu đôi lứa
- Mối “tình trai” của nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát 1
- Thi sỹ Xuân Diệu hăng hái với mùa xuân
- Thêm một tình yêu Xuân Diệu1
Theo báo cáo đề dẫn, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: “Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo này không phải để bàn thảo sâu về sự nghiệp thơ ca của một thi sĩ hàng đầu trong làng Thơ Mới, mà nói về sự cống hiến của ông cho sự nghiệp văn hóa dân tộc nước nhà. Dĩ nhiên 15 tập thơ của ông với 1.000 trang thơ cùng với 5 tập tiểu luận, văn xuôi, đó là di sản văn hóa dân tộc đặc biệt, đã được Nhà xuất bản Văn học tập hợp in thành 6 tập gồm 6.000 trang sách khổ lớn, là một đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc nước nhà”.
Nói đến Xuân Diệu, ai cũng biết ông là “Ông hoàng của thơ tình yêu” với những câu thơ nổi tiếng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Tuy nhiên, theo tham luận tại hội thảo của Tiến sĩ Nguyễn Minh San, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, nói về một đời thơ trên 50 năm của thi sĩ Xuân Diệu, người con sinh ra và lớn lên ở vạn chài Gò Bồi (xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) với những tập “Thơ thơ” (1939); “Gửi hương cho gió” (1945); “Ngọn quốc kỳ” (1945); “Hội nghị non sông” (1946); “Riêng chung” (1960)…, thì nếu chỉ đánh giá và nhớ có thế thôi chưa đủ, chưa hết tầm và nhất là chưa hiểu Xuân Diệu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh San, trong làng thơ hiện đại Việt Nam, đến nay, Tố Hữu là thi sĩ làm thơ sớm, làm thơ nhiều và làm thơ hay nhất về Bác Hồ. Nhưng, có một nhà thơ nữa cùng thời với Tố Hữu cũng làm thơ sớm, làm thơ nhiều và có nhiều bài thơ hay về Bác Hồ, đó chính là Xuân Diệu. Trong toàn bộ đời thơ của mình, Xuân Diệu đã viết 15 bài thơ riêng về Người: “Ảnh Cụ Hồ”; “Thơ dâng Bác Hồ”; “Một con người”; “Đi theo Bác Hồ”; “Nghe tiếng gọi Bác Hồ toàn dân đánh thắng giặc Mỹ”…
Đó là chưa kể Xuân Diệu còn có 13 bài nghiên cứu sâu về Bác Hồ, như: “Ngày độc lập 2-9-1945", viết tháng 9-1946; “Lễ sinh nhật Hồ Chủ tịch”, viết ngày 19-5-1947; “Đứa con độc lập”, viết ngày 2-9-1947; “Thơ dâng Cụ Hồ”, viết tháng 5-1950… Qua những thống kê trên, mọi người đều thấy được tình yêu Bác Hồ, cảm xúc thơ về Bác Hồ và sức lao động sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng Bác Hồ trong thơ Xuân Diệu là vô cùng lớn lao.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Theo Thạc sĩ Đặng Ngọc Vân, với cái nhìn mới của một thi sĩ lãng mạn, Xuân Diệu nhìn ra đất nước tươi đẹp này là do thành quả lao động cần cù của những người nông dân Việt Nam nói chung và người dân Nghệ An nói riêng: “Bước nông dân phát động dẫm trên đường/ Xã Cát Văn một mảnh đất Thanh Chương/ Mà tôi thấy cả quê hương nước Việt”.
Bấy giờ, khi thấy hết cuộc đời thực của người nông dân, tác giả đã ba cùng với người nông dân: cùng ở, cùng làm, cùng ăn: “Làng quê kia trước tôi nhìn lạnh nhạt/ Khác thị thành vênh váo tạt vài hôm/ Từ khi làm cán bộ đội về thôn/ Làng quê ấy tôi chăm lo khuya sớm/ Móc đất, đắp bờ, lội bùn bì bõm/ Cơm khoai sê bát, giường nát chung nằm”.
Xuân Diệu thấy người nông dân ngàn năm nay khổ cực, chịu bất công nhưng luôn thủy chung với đất đai và bây giờ được đánh thức. Người nông dân say mê với việc được đổi đời mà những người tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng lại chính là những cán bộ trong đội cải cách ruộng đất như Xuân Diệu: “Hai tháng đổi đời, long trời lở đất/ Bạn cố bần vùng dậy tựa vừng đông/ Tôi với nông dân đấu cật chung lòng/ Chung câu hò tiếng hét lời mong”.
Nói như Giáo sư Hoàng Chương, thì thi sĩ Xuân Diệu là một tài năng đặc biệt được sinh ra trên miền đất địa linh nhân kiệt. Đất Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng là đất võ trời văn nên Xuân Diệu đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thủa mới lọt lòng.
Cái cốt nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất này như loại hình Hát bội, Bài chòi… đã dần thấm sâu trong tâm hồn một tài năng trẻ, để từ khi 17 tuổi, ông đã có những bài thơ hay mang đậm hơi hướng dân ca, cho dù học trường Tây, am hiểu văn học Pháp rất sớm, nhưng không những nó không thể làm giảm đi tính dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong con người ông, mà qua đó, tình yêu với Đảng, Bác Hồ và nhân dân lại luôn hiện ra trong thơ Xuân Diệu một cách hết mực nghĩa tình và sâu sắc.