Xiếc Việt trầy trật tồn tại

Thứ Bảy, 08/05/2021, 08:45
Thu nhập thấp, tuổi nghề ngắn, ít có cơ hội phát triển so với nhiều loại hình khác, thời gian gần đây, đời sống nghệ sĩ biểu diễn xiếc vốn đã khó khăn càng khó khăn.

Để đồng hành với người nghệ sĩ xiếc trong giai đoạn hiện tại, cả cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghệ thuật có uy tín đã có những nỗ lực nhất định, kể cả cố gắng hỗ trợ lẫn nhau với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhưng dường như những cố gắng ấy vẫn đang như muối bỏ biển.

Những ngày cuối tháng 4, tranh thủ thời điểm dịch COVID-19 tạm lắng, cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội. Diễn ra theo định kỳ 3 năm 1 lần, cuộc thi cũng là một trong những cố gắng của cơ quan quản lý là Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng “cánh chim đầu đàn” của xiếc Việt hiện nay – Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tuy nhiên, đến tận phút chót, cuộc thi chỉ có 5 đơn vị trên cả nước dự thi.

Nghệ sĩ biểu diễn tại cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức cho biết, trước đây, nghệ sĩ xiếc rất thiệt thòi, nhất là trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Bởi lẽ, so với các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác, nghệ thuật xiếc có rất ít các cuộc thi, liên hoan. Vì vậy, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ưu tiên cho xiếc tổ chức thi trước và là cuộc thi, liên hoan đầu tiên về nghệ thuật biểu diễn đầu tiên cấp toàn quốc do Bộ chỉ đạo tổ chức năm 2021. Đáng tiếc là dù cả Ban tổ chức và những người cùng làm nghề đã động viên, hỗ trợ nhau một cách tối đa, số lượng đơn vị dự thi vẫn chỉ bằng một nửa so với trước.

Cũng theo NSND Tạ Duy Ánh, đời sống nghệ sĩ biểu diễn xiếc rất khó khăn, nhất là các nghệ sĩ ở các đoàn địa phương. Đây là nghệ thuật rất đặc thù. Mặc dù nghệ sĩ không có các show biểu diễn thì vẫn phải tập luyện thường xuyên. Nếu nghệ sĩ không tập thì không giữ được nghề. Khi tập phải có sự tương tác, đạo cụ. Chỉ có tình yêu nghề tha thiết và quyết tâm cao thì nghệ sĩ mới gắn bó được với nghệ thuật xiếc, động viên nhau vượt qua khó khăn hiện nay.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người trực tiếp đến các địa phương, kêu gọi các đơn vị tham gia cuộc thi cũng chia sẻ một thực tế muốn “cười ra nước mắt”. Đó là thời điểm trước khi cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021 diễn ra ít lâu, anh đến Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Long An, vừa là giao lưu, vừa là động viên các nghệ sĩ xây dựng chương trình để cùng tham gia, vừa là dịp cọ xát, vừa là cơ hội cho tài năng nghệ sĩ tỏa sáng.

Khi mới nhắc đến cuộc thi, các nghệ sĩ trong đoàn địa phương đều lặng phắc. Bởi lẽ, thời gian qua, họ rất khó khăn, vừa sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, đoàn lại liêu xiêu bởi dịch bệnh. Nhiều nghệ sĩ cũng cho biết, họ không biết lấy gì để đi thi. Sau khi động viên, có sự tác động từ nhiều phía, đến cuối buổi gặp gỡ, các nghệ sĩ mới mạnh dạn đăng ký 5 tiết mục. Sau khi rà soát, có 3 tiết mục được đơn vị lựa chọn nâng cấp để tham gia cuộc thi. Có nhiều lý do cho việc này, trong đó, câu chuyện kinh phí là yếu tố đóng vai trò lớn…

Với nhiều đơn vị nghệ thuật xiếc ở các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Ngay như Hải Dương, địa phương có 9-10 đoàn xiếc, nhưng khi gọi điện mời tham gia thi, các đoàn đều từ chối. Bởi lẽ, nhân lực thiếu, nghệ sĩ không có các chương trình biểu diễn thì không có thu nhập, nhất là khi các đoàn là tư nhân quản lý, nguồn kinh phí cho dự thi càng khó khăn.

Thời điểm đưa nghệ sĩ của Long An đến Hà Nội dự thi, ông Nguyễn Triệu Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Long An cũng cho hay, Đoàn Xiếc Long An được giao thu ngân sách 2 tỷ. Tuy nhiên, 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do COVID-19, đoàn không hoạt động biểu diễn được, không có nguồn thu. Mặc dù nghệ sĩ vẫn hưởng lương theo công chức viên chức nhưng không biểu diễn thì đời sống nghệ sĩ bị ảnh hưởng nhiều. May mắn là khi đi thi, các nghệ sĩ ở địa phương được đơn vị chủ quản và cả các đơn vị khác, cụ thể là Liên đoàn Xiếc Việt Nam hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất nên mới “đầu xuôi đuôi lọt”.

Cũng theo ông Nguyễn Triệu Minh, lâu nay, Đoàn Xiếc Long An có sân khấu nhưng là sân khấu di động. Khi tham gia cuộc thi, làm quen với sân khấu lớn như Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội, các nghệ sĩ trong đoàn đều bỡ ngỡ. May mắn là Đoàn được Liên đoàn Xiếc Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện để tập luyện, làm quen với sân khấu trước cả tuần, thậm chí cả chỗ ăn, nghỉ.

Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, các cuộc thi là nhằm tạo điều kiện để nghệ sĩ xiếc cọ xát, tỏa sáng, có cơ hội phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, nghệ sĩ xiếc học trung cấp cũng đã mất 7 năm, tuổi nghề rất ngắn. Nghệ thuật xiếc hiếm có nghệ sĩ già còn biểu diễn nên không có cuộc thi tài năng trẻ như các bộ môn nghệ thuật khác. Ít cuộc thi, ít giải thưởng thì việc có đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng khó khăn hơn.

Để tháo gỡ vấn đề này, đồng thời để nghệ sĩ xiếc đỡ thiệt thòi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định duy trì cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 3 năm 1 lần và có tổ chức cuộc thi xiếc quốc tế ngay sau năm đó. Dù vậy, so với nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác, nghệ sĩ xiếc đang gặp nhiều khó khăn hơn, cần nhiều sự động viên hơn nữa.

N.Nguyễn
.
.
.