Vang mãi một thời hoa lửa
- Phim về đề tài chiến tranh không thể mãi “ăn mày dĩ vãng”
- Văn học về đề tài chiến tranh: Mạch nguồn chưa vơi cạn
Đề tài chiến tranh là mạch nguồn cho nhiều loại hình nghệ thuật. Đối với sân khấu kịch thì mảng đề tài này là một công cụ sắc bén để mang tới cho khán giả nhiều thế hệ những câu chuyện buồn vui về đề tài chiến tranh cách mạng; để mỗi một người sống trong thời bình sẽ luôn ý thức được rằng, nếu không có sự hy sinh đầy xương máu của cha ông, nếu không có những thế hệ ra đi để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, thì sẽ không có chân trời đẹp đẽ của ngày hôm nay, thời hòa bình.
Cho dù đã 45 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước nhưng chưa bao giờ, những người con Việt Nam, đặc biệt là những người lính trở về sau cuộc chiến chống giặt ngoại xâm, thống nhất đất nước lại có thể quên được những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ và hào hùng ấy.
Nhiều người lính, họ trở về sau chiến tranh, cầm bút và họ là những nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng về đề tài chiến tranh cách mạng, những nhà viết kịch mang áo lính như: Vũ Dũng Minh, Nguyễn Vượng, Hoài Giao, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Chu Nghi, Ngô Y Linh, Đào Hồng Cẩm...
Cảnh trong vở “Hoa lửa Truông Bồn”. |
Nhiều tác phẩm sân khấu từ thời chiến đến thời bình được công diễn đã nhận được sự yêu mến của khán giả các thế hệ, tiêu biểu như các vở kịch ngắn: "Trận chiến đấu thầm lặng", "Đâu có giặc là ta cứ đi", "Người ven đô", "Người vợ miền Nam", "Nổi gió", "Ngọn lửa", "Bà mẹ và những đứa con", "Tay súng dân quân", "Em bé giao liên", "Lưới thép", "Một vùng trời", "Sẵn sàng", "Trang sổ tay chiến sĩ", "Trận địa", "Lửa hậu phương", "Anh Trỗi", "Tiền tuyến gọi"...
Ngoài kịch ngắn, một số vở kịch dài đã phản ánh hiện thực với một khung cảnh rộng lớn, có chiều sâu câu chuyện của chiến tranh, như: “Lửa hậu phương” của Kính Dân, “Bức tranh mùa gặt” của Trần Vượng, “Anh Trỗi” (Lưu Trọng Lư, Đình Quang, Vũ Khiêu), “Tiền tuyến gọi” (Trần Quán Anh), “Đồng chí”, “Bên hàng rào Tà Cơn” (Chu Nghi), “Đôi mắt” và “Nhật ký người mẹ” của Vũ Dũng Minh...
Nhiều nhà nghiên cứu về sân khấu kịch cho rằng, hiện thực lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa là nguồn chất liệu vô giá cho kịch, vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo thôi thúc các nhà viết kịch.
Đề tài chiến tranh cách mạng như một thỏi nam châm lớn, thu hút vào nó cả ở phía người sáng tạo và phía người thưởng thức. Có thể khẳng định, đề tài về chiến tranh cách mạng ở thời kỳ này đã có những tác giả và vở kịch sân khấu xuất sắc.
Không chỉ các tác giả mặc áo lính mới đủ tư liệu và nguồn cảm hứng để viết về chiến tranh, mà sau hơn 40 năm, ngay trong thời kỳ kịch nói và các ngành nghệ thuật sân khấu đang đứng trên bờ vực của sự khó khăn, thì cũng đã có những tác giả tái hiện lại được các tác phẩm về chiến tranh như mạch nguồn xuyên suốt.
Mới đây, vở kịch "Bạch đàn liễu" của Đạo diễn Trần Lực cũng đã lấy được nhiều tình cảm của khán giả. "Bạch đàn liễu" được nhà biên kịch Xuân Trình viết năm 1972, Đoàn kịch Trung ương dàn dựng năm 1973.
Vở chỉ xuất hiện trên sân khấu một lần, đến nay đạo diễn Trần Lực dựng lại vở để tri ân nhà viết kịch quá cố, với tinh thần và cách thể hiện đương đại.
Kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, xoay quanh chuyện tình của Độ - Liễu, bắt đầu mối tình từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã, qua đó gửi gắm thông điệp về thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến người dân khổ sở.
"Bạch đàn liễu" cũng thể hiện được lòng thủy chung son sắt của người con gái chốn hậu phương, đợi chờ người yêu ra trận trở về với một niềm tin rằng, cây bạch đàn là minh chứng cho tình yêu đôi lứa.
Chuyện tình của Độ - Liễu sau này bị chia cắt vì nhiều lý do, nhưng tính thời sự của vở kịch trong việc đề cập vấn đề tham nhũng, lạm dụng chức quyền khiến khán giả có cảm nhận rằng, cho dù vở kịch đã được viết ra 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội ngày nay khiến con người phải suy nghĩ và nhìn lại mình.
Không chỉ những tác giả chuyên nghiệp có những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, mà những tác giả "tay ngang" cũng đã có những vở kịch ghi đậm dấu ấn chiến tranh. "Hoa lửa Truông Bồn" (tác giả PGS-TS. Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Lê Hùng) đã lan tỏa được những hy sinh mất mát của các cô thanh niên xung phong ở mảnh đất anh hùng xứ Nghệ.
Cảnh trong vở “Duyên Định”. |
Đạo diễn Lê Hùng cho rằng, tác phẩm sân khấu "Hoa lửa Truông Bồn" mang đậm những giá trị lịch sử dân tộc, lại được dàn dựng công phu, có giá trị như những thước phim tư liệu lịch sử quý giá về địa danh lịch sử Truông Bồn trong chiến tranh.
Tại sân khấu các nhà hát kịch trên địa bàn Hà Nội như: Nhà hát Kịch Trung ương, Nhà hát kịch Hà Nội đã công bố một số vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng cũng đã được dàn dựng và công diễn như vở kịch "Đôi mắt" (Tác giả Vũ Minh Dũng, đạo diễn NSND Tuấn Hải), "Ngôi nhà trong thành phố" (tác giả Xuân Trình; NSND Lê Hùng đạo diễn), "Những người con Hà Nội" (kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), "Lính trận" (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Anh Tú), "Bão tố Trường Sơn" (tác giả Trương Minh Phương)... Những tác phẩm sân khấu này chạm được vào trái tim, cảm xúc người xem bởi đã tái hiện những hình ảnh của một thời lửa đạn đầy mất mát hy sinh nhưng cũng đậm tình người, tình đồng đội.
Cũng trong dòng chảy của đề tài này, Nhà hát CAND cũng đã cho ra mắt khán giả vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng "Duyên định" chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 – 19/8/2020).
Tác phẩm được dàn dựng theo kịch bản văn học của Tiến sĩ sử học Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vở kịch "Duyên định", ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta.
Đây cũng là một vở diễn cảnh báo về hậu quả chiến tranh, thêm một lần nữa góp phần giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về những đau thương, mất mát từ chiến tranh, những hy sinh gian khổ của cha ông, nhưng sau tất cả, nhân dân Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, khẳng định tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, xây dựng đất nước dân chủ, văn minh.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, người đã viết một số tác phẩm đặc sắc về đề tài chiến tranh cách mạng như "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế", "Hừng Đông", "Thầy Ba Đợi", "Hoa lửa Truông Bồn", "Ngàn năm mây trắng" tâm sự: "Đề tài chiến tranh là một mạch nguồn xuyên suốt nhiều thể loại văn học nghệ thuật cũng như các thể loại khác như tuồng chèo, cải lương, kịch nói. Nó đồng hành với diễn trình lịch sử dân tộc.
Không có những hy sinh mất mát của cha ông, không có những người lính ra trận và hy sinh, không có những người mẹ, người vợ ở hậu phương đợi chờ người lính trở về, thì không có những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, để ngày hôm nay đất nước hòa bình, ấm no. Bởi vậy, văn học nghệ thuật sẽ không ngừng viết về đề tài chiến tranh cách mạng để hiểu hơn, khẳng định hơn và giữ gìn hơn những giá trị tồn vong của dân tộc...".