Vài ý kiến việc Nhã nhạc cung đình Huế nghi bị xâm phạm bản quyền

Chủ Nhật, 10/05/2020, 10:02
Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã lấy ý kiến nhằm làm rõ sự việc liên quan đến việc phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường Huyễn Dạ” bị nghi sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế.

Trước những ý kiến của dư luận liên quan đến việc phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường Huyễn Dạ” (được chiếu trên VTV8 và đã tạm ngưng phát sóng) bị nghi sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã lấy ý kiến của các đơn vị, các nhà nghiên cứu, chuyên môn, nghệ sĩ nhằm làm rõ sự việc.

Theo các nhà nghiên cứu ở Huế, trong Mười bản ngư (tên chữ Hán là Thập thủ liên hoàn) của Nhã nhạc cung đình Huế có bản Kim Tiền (bản số 7) và bản Long Hổ (bản số 9). Đây là 2 bản nghi các nhà làm phim Trung Quốc sử dụng vào phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ”. 

Sau khi nghe lại một cách kỹ lưỡng 2 đoạn nhạc, gồm nhạc phim “Thịnh Đường huyễn dạ” và đoạn nhạc được trích xuất có nguồn gốc từ Việt Nam, NSƯT Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình (NTTT) Huế cho rằng, các nhà làm phim có sử dụng 2 đoạn giống trong Tiểu nhạc của Nhã nhạc cung đình Việt Nam (tập 4, phút thứ 39 và tập 30, phút 15:44) gồm Kim Tiền và Long Hổ nhưng được chắp nối, không phải là nguyên bản như trong Thập thủ liên hoàn thuộc Tiểu nhạc. 

“Đây không phải là âm thanh do dàn Nhã nhạc cung đình Huế trình tấu. Nhà hát chỉ trình tấu lần lượt, không cắt ngang, không chắp nối. Biên chế dàn nhạc không đúng, nghĩa là nhạc cụ không chuẩn mực. Tiếng trống trong phim là tiếng trống chiến, trong lúc tiếng trống trong Tiểu nhạc (cụ thể ở 2 bản Kim Tiền và Long Hổ) mà nhà hát trình tấu là trống bản. Hơn nữa, trong phim có tiếng đàn bầu, tiếng đàn tam thập lục là những nhạc cụ không xuất hiện trong dàn Tiểu nhạc”, NSƯT Hoàng Trọng Cương cho hay.

Các nghệ sĩ biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường.

NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát NTTTCĐ Huế cũng nhận định, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam thường sử dụng chắp nối các bài bản để tạo ra bản hòa tấu trong khi trình diễn; cải biên các bài bản thông qua việc sử dụng, bổ sung các nhạc cụ không có trong cơ cấu, biên chế nguyên gốc của Nhã nhạc để tạo ra những nét mới trong hợp tấu. 

“Đoạn nhạc trong phim đã dùng lại bản hòa tấu của dàn nhạc Việt Nam. Cả hai đoạn nhạc này đúng là Kim Tiền và Long Hổ nhưng bị chắp nối cải biên, nhạc cụ sử dụng không đúng và khác lạ với nhạc cụ được sử dụng của dàn Tiểu nhạc trong lịch sử cũng như thực tế bảo tồn Nhã nhạc hiện nay. 

Nhà hát phục dựng Nhã nhạc chú trọng tính nguyên gốc nên không sử dụng nhạc cụ đàn bầu, đàn tranh (thập lục), đàn tam thập lục và trống chiến khi trình tấu Thập thủ liên hoàn”, NSND Bạch Hạc giải thích.

Theo Trung tâm BTDT Cố đô Huế, hiện việc thực hành trình diễn văn hóa phi vật thể đều được ứng dụng qua phương thức “truyền nghề, truyền ngón” nên chưa có những nghiên cứu thật sự bài bản. Sự nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện vẫn còn quá nhiều bất cập. 

Trong hệ thống bài bản cổ của Trung Quốc có bài “Thập thủ liên hoàn” hay không thì điều này khó có thể khẳng định, bởi đến nay, các nhà nghiên cứu không ai tiếp cận được một cách toàn diện và hệ thống bài bản truyền thống của Trung Quốc. 

Nếu tiếp cận hết thì mới xác định được mức độ ảnh hưởng, có hay không nhà làm phim Trung Quốc “lấy” Nhã nhạc cung đình Huế đưa vào phim của mình. “Do chưa xem hết bộ phim nên không rõ các nhà làm phim có chú thích bảng chữ là có sử dụng âm nhạc Việt Nam hay không, bởi nếu có thì câu chuyện sẽ sang một hướng khác. 

Còn việc các nhà làm phim Trung Quốc có xâm phạm bản quyền của Việt Nam hay không thì cần thận trọng xem xét vấn đề một cách toàn diện. Công việc này cần có sự nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, tạo cơ sở vững chắc để có thể phản đối hành vi xâm phạm bản quyền nếu có. Đây là điều hết sức cần thiết vì Nhã nhạc cung đình là bản quyền của dân tộc, nếu bị xâm phạm phải đấu tranh để bảo vệ”, lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế nói.

Anh Khoa
.
.
.