Tưng bừng lễ hội Cổ Loa

Thứ Sáu, 12/02/2016, 16:42
Các đô vật hào hứng vào sới, những du khách nô nức tham gia trò chơi bắn nỏ thần, các nam thanh nữ tú náo nức với đu tiên… rất nhiều trò chơi dân gian được tái hiện ở lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chính hội mùng 6 tháng Giêng sẽ diễn ra phần lễ trang trọng, tưởng nhớ và suy tôn vua An Dương Vương, người có công xây thành Cổ Loa và dựng lên nước Âu Lạc. Hàng vạn khách tham gia lễ hội lớn nhất trong vùng.

8h sáng mùng 5 Tết, ánh nắng trải dài trên những con đường dẫn vào đất cố đô. Thời tiết chiều lòng khách du xuân, hàng nghìn người đổ về nơi còn lưu giữ những vòng thành cổ bằng đất, nơi gắn với truyền thuyết về mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy và bài học lịch sử còn lưu truyền mãi. Ở chính không gian đó, những trò chơi ngày hội được tái hiện khiến du khách như được trở lại không gian xưa với các tích cổ.

Hàng nghìn du khách đến dự lễ hội Cổ Loa trong ngày mùng 5 Tết.

Am Mỵ Châu tấp nập người vào làm lễ. Đây cũng là nơi các nam thanh nữ tú chọn đến để ngắm nhìn bước tượng đá không đầu mà người ta cho rằng đó là công chúa Mỵ Châu bị vua cha xử phạt. Nơi cạnh đền Thượng, khu dành riêng cho trò chơi bắn nỏ như dẫn người tham gia về với truyền thuyết nỏ thần đánh giặc của vua An Dương Vương. Du khách vô cùng hào hứng với trò chơi đặc biệt này, đây cũng là điểm nhấn ở lễ hội Cổ Loa hàng năm.

Dâng lễ vào Am Mị Châu.
Lễ rước của xóm Vang, xã Cổ Loa.

Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao khác cũng được bắt đầu từ sáng 5 Tết đậm tính truyền thống như: giải vật dân tộc, bóng chuyền mở rộng tranh cúp Loa thành, cờ người, ném còn… Hoạt động văn nghệ truyền thống như tuồng cổ, hát quan họ trên giếng Ngọc thu hút đông đảo du khách. Trước cửa đình Ngự triều di quy, 3 hoạt động diễn ra cùng lúc là đấu vật, cờ người và đu tiên, tạo nên một không gian vui chơi sôi động.

Nhiều hoạt động văn hóa thể thao trong lễ hội như: đấu vật dân tộc.
Cờ người.
Thi bắn nỏ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở huyện Đông Anh tâm sự hào hứng: “Năm nào tôi cũng tham gia lễ hội Cổ Loa. Đến đây lần nào tôi cũng thử tài bắn nỏ, trông dễ vậy thôi nhưng để bắn trúng cũng khó lắm, phải kéo dây căng và nặng. Tôi cũng thích xem đấu vật và cờ người. Đó là những trò chơi hợp với tuổi của tôi và cũng làm tôi nhớ lại thời xa xưa”. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh, quê ở Bắc Ninh trong lễ hội Cổ Loa, bà cho biết, bà có người thân ở xã Cổ Loa, ngày này cả xã ăn Tết nên bà về chúc Tết và dự hội: “Hội đông và vui. Tôi thấy các anh công an bảo vệ lễ hội rất nhiệt tình làm cho khách cảm thấy yên tâm”.

          
Hát quan họ trên giếng Ngọc.
Lực lượng Công an giữ gìn an ninh trật tự trong lễ hội.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết, trước ngày diễn ra lễ hội, Khu di tích Cổ Loa đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, vãn cảnh. Ban tổ chức lễ hội, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự đã triển khai công tác từ sớm.

Khoảng 200 cán bộ chiến sỹ Công an và quân đội được phân công đảm bảo cho nhân dân tham gia lễ hội bình yên. Ở nơi tập trung đông người, dễ xảy ra trộm cắp, móc túi đều được Ban tổ chức bố trí lực lượng công an để đảm bảo an ninh trật tự. Bởi vậy mà trong lễ hội Cổ Loa không xảy ra tệ nạn, không có trò chơi ăn tiền trá hình như cua cá, không để xảy ra ùn tắc giao thông đường vào lễ hội…

Nhiều năm nay, lễ hội Cổ Loa cũng không có người ăn xin, khi có người ăn xin xuất hiện, Ban tổ chức cử ngay lực lượng đưa người lang thang, ăn xin vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Ông Trung cũng phấn khởi cho biết, năm nay Khu di tích được đầu tư toàn bộ hệ thống đường, vỉa hè, ánh sáng nên rất thuận lợi cho du khách vui chơi. Bên cạnh đó, một điểm mới trong mùa lễ hội 2016 là các hàng quán ẩm thực được quy hoạch riêng một khu, tạo nét văn minh, sạch sẽ cho lễ hội.

7h30 sáng mùng 6 tháng Giêng, phần lễ sẽ diễn ra trang trọng ở đền Thượng với phần tế, lễ và rước của hội đồng Bát xã (cụm 8 làng của xã Cổ Loa). Khách thập phương dự hội sẽ được thưởng thức một nghi lễ cổ xưa truyền lại từ bao đời nay. Cùng với sự trang trọng trong lễ tế, lễ rước, du khách cũng sẽ đắm mình trong truyền thuyết với mối tình đẹp mà ngang trái của Mị Châu – Trọng Thủy. Một mùa lễ hội bắt đầu trong yên bình.

Việt Hà
.
.
.