Triển vọng cho mỹ thuật ứng dụng phát triển

Thứ Hai, 24/02/2020, 08:23
Khi điều kiện sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu về các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng ngày càng lớn, bên cạnh việc hướng tới các sản phẩm có công năng tốt, mỗi người còn hướng tới vẻ đẹp, yếu tố văn hóa và giá trị thẩm mỹ. Điều này mở ra triển vọng cho mỹ thuật ứng dụng phát triển.


Theo đánh giá của nhiều họa sỹ, mỹ thuật ứng dụng đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa của nước ta. Tuy nhiên, mỹ thuật ứng dụng ở nước ta lại chưa được coi trọng đúng mức. Họa sỹ Vi Kiến Thành chia sẻ, các quốc gia phát triển coi mỹ thuật ứng dụng là ngành kinh tế tri thức và chú trọng đầu tư.

Tại các trường chuyên nghiệp, trong 10 chỉ tiêu đào tạo, có 8 chỉ tiêu là mỹ thuật ứng dụng và 2 chỉ tiêu là nghệ thuật tạo hình. Ở Việt Nam, họa sỹ thường được chú ý nhiều hơn nhà thiết kế mỹ thuật. Nhiều nghệ sỹ tạo hình tham gia các hoạt động mỹ thuật ứng dụng để nuôi nghề chính là hội họa.

Lý giải vấn đề này, họa sỹ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, một bức tranh thường có giá trị cao, tác giả được ghi danh, trong khi một sản phẩm sáng tạo mỹ thuật ứng dụng có thù lao thấp, không mấy ai quan tâm đến tên tác giả.

Tuy nhiên, họa sỹ Trần Khánh Chương cũng cảnh báo, nếu cứ giữ quan điểm như vậy, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không được dồn nhiều hàm lượng nghệ thuật, ngành này cũng khó bứt phá và trở nên chuyên nghiệp.

Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mục tiêu đề ra là ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm phải đóng góp đạt 80 triệu đô la Mỹ (đến năm 2020) và 125 triệu đô la Mỹ (đến năm 2030).

Để đạt được mục tiêu này, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong đó mỹ thuật ứng dụng là nòng cốt cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy mới mẻ, hiện đại, có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 80 cơ sở có đào tạo các ngành mỹ thuật. Mỗi năm có khoảng 9.000 sinh viên ra trường, trong đó, có nhiều sinh viên thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào này đến nay vẫn chưa được tận dụng triệt để.

Họa sỹ Ngô Anh Cơ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Công nghiệp chia sẻ, lâu nay, sinh viên của trường tốt nghiệp khá “đắt hàng”, nhiều người đang trong quá trình học tập đã có doanh nghiệp đến tìm.

Tuy nhiên, sự quan tâm ấy của phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức độ giải pháp tình thế, “lấy ngắn, nuôi dài”, thiếu đầu tư dài hạn. Không ít doanh nghiệp khi đã có sản phẩm mới là quên ngay vai trò của họa sỹ, chỉ quan tâm đến những việc liên quan đến thương mại, thu lời, rất ít doanh nghiệp nghĩ đến việc đầu tư vào sản phẩm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có liên quan đến mỹ thuật ứng dụng phần lớn sống bằng việc gia công mẫu mã cho nước ngoài hoặc sửa sang mẫu mã nước ngoài để làm hàng xuất khẩu; chưa có ý thức mua các mẫu của họa sỹ mỹ thuật ứng dụng về sản xuất. Đó là những lý do góp phần làm giảm ý chí sáng tạo của nghệ sỹ

Để khắc phục tình trạng này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng, mỹ thuật ứng dụng cần có sự liên kết, phối hợp giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất; giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Chính vì vậy, mỹ thuật ứng dụng đang rất cần sự kết nối, chia sẻ để cùng phát triển, tạo ra những thiết kế sáng tạo, mẫu mã, sản phẩm có giá trị văn hóa – nghệ thuật có tính ứng dụng và trở thành hàng hóa trong tiêu dùng xuất khẩu.

“Tôi cho rằng, khi chúng ta hội nhập sâu rộng với quốc tế , những yếu tố văn hóa trong các sản phẩm càng trở nên quan trọng, những sản phẩm hàng hóa nói chung, đặc biệt là những sản phẩm có yếu tố thẩm mỹ, văn hóa Việt khi ra nước ngoài sẽ trở thành tấm danh thiếp quảng bá cho văn hóa Việt Nam”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Phương Lan
.
.
.