Tìm hướng bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian

Thứ Năm, 18/08/2016, 18:07
Góp phần làm sáng tỏ giá trị và tìm hướng phát huy giá trị tranh dân gian trong đời sống đương đại, chiều 18/8, tại Hà Nội, một cuộc tọa đàm với sự tham gia của khá nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, hội họa đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ tổ chức, buổi tọa đàm cũng là một trong những nỗ lực nhằm tạo cầu nối đưa nghệ thuật dân gian tới đông đảo công chúng và góp phần bảo tồn các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đà khẳng định: Giá trị điển hình của nghệ thuật trong tranh dân gian tồn tại nhiều tầng thức thẩm mỹ, chứa đựng những tinh hoa và vốn quý của dân tộc, đã được sàng lọc qua bao nhiêu thời gian, đã tạo nên những giá trị riêng biệt không lẫn với bất cứ với dòng tranh nào trên thế giới. 

Việc nghiên cứu di sản văn hóa tranh dân gian của cha ông và giáo dục cho thế hệ trẻ sẽ  góp phần giáo dục ý thức tự tôn, tự hào dân tộc nhưng để nuôi dưỡng những giá trị nghệ thuật dân gian sống mãi với thời gian luôn cần mỗi  thế hệ biết phát huy, sáng tạo, nhằm nuôi dưỡng những giá trị ấy. 

Loại hình nghệ thuật đương đại đang phát triển nhưng làm sao để có sự gắn kết với loại hình nghệ thuật dân gian đang là một vấn đề cần được xem xét, quan tâm và đầu tư. Những giá trị biểu trưng từ tranh dân gian là một tài sản vô cùng to lớn đáng trân trọng và cần thiết phải có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

Riêng với tranh dân gian làng Sình (Huế), Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thanh Bình đến từ trường đại học nghệ thuật Huế cho biết, đây là một dòng tranh đã trải qua hơn 400 năm tồn tại.

Tranh làng Sình cùng với tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng ở phía Bắc và tranh dân gian Nam Bộ phía Nam tạo nên những giá trị mỹ thuật dân gian truyền thống quý giá. Tuy nhiên, cùng với thời gian và những đổi thay của xã hội, nhiều giá trị của dòng tranh làng Sình đang dần bị phôi pha, biến dạng, nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản, lưu lạc, thất tán trong dân gian.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng chia sẻ:  Đi tìm giải pháp duy trì phát triển tranh dân gian, từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian ở Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều tranh dân gian và ván in tranh đã được sưu tầm, giới thiệu tại các Bảo tàng.

Việc bảo tồn nghề và làng nghề tranh dân gian cũng được đặt ra trong một số dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, các dòng tranh và làng tranh dân gian truyền thống vẫn đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ. Lý do là tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì  hoạt động của các làng nghề là không còn nữa. 

Để góp phần duy trì, phát huy giá trị của tranh dân gian Việt Nam, hiện nay, khá nhiều đơn vị, người tâm huyết với tranh dân gian đã có các kế hoạch, dự án được triển khai. Trong đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, giám đốc bảo tàng Gốm sứ Hà Nội có dự án khôi phục tranh Kim Hoàng. Bảo tàng Hà Nội cũng có khá nhiều kế hoạch  nhằm đưa bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam tại bảo tàng đến công chúng. 

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế của làng Đông Hồ, Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh đã đang phục hồi gần 200 mẫu tranh Đông Hồ… Tuy nhiên, theo nhiều nghệ nhân và nhà nghiên cứu, để duy trì, phát triển giá trị tranh dân gian phải có các chính sách phù hợp về đào tạo, truyền nghề, tôn vinh nghệ nhân, ưu đãi thuế cho “đầu ra” của tranh dân gian…


N.HOA
.
.
.