“Vườn thơ” xanh của một nữ thi sĩ, y sĩ Công an

Thứ Năm, 28/01/2021, 17:46
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh bộc bạch, chân lý cuộc đời bà gói gọn trong hai câu thơ đã viết trong phần giới thiệu về mình ở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” “Trăm năm thề chẳng bao giờ/ Để vườn thơ trở thành bờ cỏ hoang”.


Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai...”- những câu thơ đi cùng năm tháng trong bài thơ “Không tiếc ngày xanh” do nữ thi sĩ đất Hà thành sáng tác chợt ngân vang trong ngày đầu Xuân, khi tôi tình cờ đi ngang qua con phố Trần Bình, nơi tác giả bài thơ sinh sống. Qua lời giới thiệu của một người bạn yêu thơ, tôi tìm đến thăm bà. Thật ngạc nhiên khi biết rằng, khởi nghiệp với nghề báo, bước ngoặt sang nghề y, nhưng với niềm yêu thơ mãnh liệt, bà vẫn không ngừng sáng tác, in nhiều tập thơ gây tiếng vang trên thi đàn...

Nên duyên phu thê từ những câu thơ

Một sáng đầu Xuân  2021, tiếp tôi trong phòng khách đơn sơ mang đậm phong cách của người Hà Nội xưa, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh bật mí câu chuyện thú vị về tình yêu, cuộc sống với nhiều thăng trầm.  Điều đặc biệt, trong chiếc tủ ở phòng khách gia đình trang trọng trưng bày những tập thơ, các tiểu thuyết, sách khoa học, y học của bà và người chồng - GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, nguyên Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông.

Nữ sĩ Hoàng Thị Minh Khanh cùng chồng là GS, TSKH Hoàng Tuấn.

Sinh năm 1941 tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có lẽ tình yêu thơ được bồi đắp từ những lời ru ầu ơ đầu đời của mẹ và bà ngoại với cô bé Khanh. Năm 18 tuổi, khi đi dự Trại Sáng tác văn học dành cho những người viết trẻ ở Thái Hà ấp (năm 1959) do nhà văn Nguyễn Đình Thi phụ trách, cô gái Hoàng Thị Minh Khanh đã sáng tác những câu thơ để đời.

Đó chính là bài thơ “Không tiếc ngày xanh” với những vần thơ lục bát hiện đại, hàm chứa triết lý nhân sinh: “Tay tôi rồi yếu đường gân/ Trán tôi sẽ gợn nếp hằn già nua/ Mắt tôi ngày mỗi thêm mờ/ Chân tôi cũng sẽ thẫn thờ... chậm hơn/ Nhưng tôi không tiếc không buồn/ Những ngày xanh đẹp trong vườn hoa tươi/ Vì tôi đã sống cho đời/ Hơn là đã sống cho tôi, rất nhiều/ Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai”.

Dáng người mảnh mai, khuôn mặt đài các của cô gái Hà thành, lại nổi tiếng sớm nên Hoàng Thị Minh Khanh như “thỏi nam châm” thu hút bao ánh nhìn. Thế nhưng, con tim của nữ nhà thơ trẻ chỉ thổn thức khi bà gặp vị bác sỹ khoa Nội của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô Hoàng Tuấn, người hơn bà 10 tuổi. Nhà thơ đã kể về “cuộc tình sét đánh” của mình. Đó là lần đến thăm gia đình nữ sĩ Anh Thơ trong ngôi nhà ở phố Hòa Mã. Nữ sĩ Anh Thơ đi vắng nên Hoàng Thị Minh Khanh đứng chờ ở đầu ngõ. Lúc này, bác sỹ Hoàng Tuấn ở căn nhà tập thể ngay tầng 1 vô tình đi từ trong ngõ ra, thấy cô gái trẻ xinh xắn, dáng vẻ dịu dàng nên chủ động đến làm quen. Khi biết cô là tác giả của bài thơ “Không tiếc ngày xanh” thì vị bác sỹ rất nể phục, bởi anh cũng là một người yêu thơ và đã thuộc bài thơ này.

Thế rồi “văn chương dẫn lối nhân duyên”, từ cuộc trò chuyện đầu tiên đó, bác sỹ Hoàng Tuấn đã hỏi thăm địa chỉ gia đình Minh Khanh, khi ấy đang là phóng viên của Báo Phụ nữ Việt Nam. “Sau cuộc trò chuyện ấy, bẵng đi một thời gian, một hôm, tôi bất ngờ thấy bác sỹ Hoàng Tuấn tranh thủ ngày nghỉ đạp xe hàng chục km từ nội thành đến làng, hỏi thăm nhà tôi”- nhà thơ bồi hồi kể lại.

“Ngày ấy, thanh niên nam nữ mến nhau chỉ để trong lòng, không dám thổ lộ, việc giao thông liên lạc cũng rất khó khăn. Nên khi anh Tuấn tìm đến tận nhà khiến tôi cảm động, nhưng gia đình tôi thì kịch liệt phản đối vì thấy anh Tuấn khá đứng tuổi, đã gần 30 mà chưa lấy vợ nên có ý nghi ngờ là anh đang có vợ con hoặc đã qua một lần đò”- kể về mối tình của mình, nhà thơ cho biết bà cùng chồng đã trải qua nhiều sóng gió để có thể đến được với nhau.

Khi ấy, để thuyết phục gia đình, bà đã bí mật mở cuộc điều tra, lấy tên một người khác, giả làm chị của nhà thơ Minh Khanh để viết thư cho Chủ tịch xã nơi quê của bác sỹ Hoàng Tuấn ở xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá hỏi về lai lịch của bác sỹ. Chờ đợi khắc khoải chừng hơn 1 tuần thì bà vui mừng nhận được hồi đáp từ vị Chủ tịch nọ. Đọc những dòng chữ, biết được gia cảnh éo le của bác sỹ Tuấn, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, được bà nội nuôi nấng từ tấm bé, bác sỹ là người rất thông minh, hiếu học, hay giúp đỡ mọi người... thì bà càng cảm mến hơn và quyết tâm đến với ông. Chính lá thư đó như “tấm bùa hộ mệnh” để bà thuyết phục gia đình đồng ý cho 2 người nên duyên vợ chồng.

Vợ chồng nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh cùng các con cháu. 

Hậu phương vững chắc của 3 nhà khoa học

Cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam nhân hậu, tần tảo chăm lo gia đình để chồng yên tâm công tác, khi ấy, đang là phóng viên phụ trách viết về mảng nông nghiệp của Báo Phụ nữ Việt Nam, nữ thi sĩ Hoàng Thị Minh Khanh đã quyết định từ bỏ niềm đam mê của người làm báo được khám phá, bay nhảy khắp mọi miền Tổ quốc để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Năm 1962, bà sinh con trai đầu lòng đặt tên là Hoàng Nam Nhật.

Kinh tế khó khăn, vừa chăm con nhỏ, nhà thơ vừa theo học 3 năm ngành vi trùng học (do GS Hoàng Thuỷ Nguyên và GS Đặng Đức Trạch giảng dạy) và chuyển bước ngoặt từ nghề báo sang nghề y, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (bây giờ là Bệnh viện Hữu Nghị). Năm 1976, khi bác sỹ Hoàng Tuấn được phân công nhiệm vụ về công tác, làm Giám đốc Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, y sĩ Minh Khanh cũng xin chuyển về công tác tại bệnh viện và đến năm 1990 thì bà xin nghỉ hưu trước 3 năm để làm hậu phương vững chắc cho chồng và hai con trai.

Năm 1972, nhà thơ sinh con trai thứ 2 đặt tên là Hoàng Thanh Tuyền. Bà nhớ lại, khi chồng du học Tiến sỹ ở Cộng hòa Dân chủ Đức, dù vất vả với công việc của một y sĩ, nuôi con nhỏ và chăm lo chu đáo hai bên nội ngoại nhưng bà vẫn không từ bỏ niềm đam mê với thơ. Mỗi khi cảm xúc ùa về, bà như bị thôi miên đắm chìm với con chữ và những vần thơ bật ra như viên ngọc quý được sàng lọc từ muôn vàn cát sỏi trong lòng con sông giữa đại ngàn.

Năm 1965, Hoàng Thị Minh Khanh lần đầu tiên xuất bản tập thơ (in chung với nhà thơ Ngân Giang và Anh Thơ), lấy là “Một mùa hoa”. Đến năm 1968, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh lại cho ra mắt độc giả tập thơ in chung với nhà thơ Thúy Bắc và Phan Thị Thanh Nhàn “Tháng giêng hai”.

Tác giả (bìa phải) và vợ chồng Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh.

Từ thành công của hai tập thơ in chung, bút lực của nhà thơ dường như đã sung sức hơn khi bền bỉ sáng tác, liên tục cho trình làng các tập thơ in riêng: “Bâng khuâng” -năm 1991, NXB Hà Nội; “Đến bao giờ”- năm 1993, NXB Thanh Niên; “Mùa ổi chín”- năm 1996, NXB Hội Nhà văn và tập thơ “Gửi sông La” , thơ chọn năm 2014, NXB Hội Nhà văn ; năm 2020 tập thơ “Tằm tơ”, gồm những bài thơ sáng tác gần đây, NXB Hội Nhà văn. Đặc biệt, năm 1998, với hai truyện ngắn “Hạnh phúc ở đâu” và “Ông Táo”, bà đã đoạt giải Nhì truyện ngắn của cuộc thi do Hội Nhà văn Hà Nội phát động. Bài thơ “Gửi sông La” của bà sau này được nhạc sỹ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành bài hát cùng tên cũng được công chúng đón nhận rộng rãi.

Giờ đây, đã bước vào tuổi 80, sở hữu một gia tài thơ văn phong phú, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh vẫn chăm lo cho chồng, con theo cách riêng của mình và không ngừng sáng tác. Sự nghiêm túc với nghề nghiệp, với khoa học, tình yêu với nghề y và với thơ văn của vợ chồng bà đã truyền lửa đam mê đến các con là TS Hoàng Nam Nhật, hiện là giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Thượng tá, TS Hoàng Thanh Tuyền, hiện là Giám đốc Bệnh viện 19-8, để họ luôn nỗ lực trong công việc, tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.

Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh bộc bạch, chân lý cuộc đời bà gói gọn trong hai câu thơ đã viết trong phần giới thiệu về mình ở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” “Trăm năm thề chẳng bao giờ/ Để vườn thơ trở thành bờ cỏ hoang”.
Anh Hiếu
.
.
.