Số hóa để bảo tồn, phát huy di sản nghe nhìn

Thứ Hai, 28/06/2021, 07:14
Khối lượng phim, tài liệu ảnh, ghi âm, ghi hình đồ sộ qua các thời kỳ đang được lưu trữ, bảo quản tại các cơ quan, đơn vị là kho di sản nghe nhìn quý giá của quốc gia. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc tận dụng tốt những cơ hội công nghệ mang lại, đặc biệt là số hóa vật liệu nghe nhìn là xu hướng tất yếu nhằm bảo tồn và phát huy các khối di sản này.


Theo ông Đào Việt Hùng, Phó Giám đốc, Trung tâm Giải pháp & Dịch vụ Số Viettel IDC, công nghệ số với rất nhiều ưu điểm đã giúp cho công tác số hóa phim lưu trữ trở thành một xu thế tất yếu. Ví dụ, trước đây, chúng ta lưu trữ phim nhựa tốn nhiều diện tích kho bãi. Một bộ phim 90 phút ít nhất cũng phải có 9-10 cuộn phim, thì hiện nay, chỉ với 1 đĩa cứng có thể lưu trữ hàng trăm bộ phim, rất tiết kiệm không gian và chi phí.

Về việc nhân bản in phim lưu trữ, nếu từ phim nhựa in sang phim nhựa rất tốn kém và kỳ công. Nhưng nhân bản số hóa rất nhanh gọn tiện lợi. Việc phổ biến khai thác các tư liệu cũng thuận lợi vô cùng, chất lượng hình ảnh được bền qua thời gian. Với phim nhựa, qua thời gian, hình ảnh bị phai mờ, bị xước. Nhưng khi lưu trữ kĩ thuật số, việc phục chế các tư liệu hình ảnh cũng rất thuận lợi, lại có nhiều phần mềm để phục chế.

Tuy nhiên, theo đại diện Viện Phim Việt Nam, Thạc sĩ Lê Tuấn Anh thì công nghệ phát triển càng mạnh mẽ thì các sáng chế ra đời càng nhanh và vòng đời tồn tại của các sản phẩm công nghệ mới càng ngắn lại. Điều đó khiến Viện lưu trữ nghe nhìn ở các nước đang phát triển rơi vào tình thế khó khăn khi những khoản đầu tư rất lớn vào trang thiết bị sớm trở nên lỗi thời và luôn có xu thế bị tụt hậu về mặt công nghệ. Với những đơn vị có ngân sách eo hẹp như Viện Phim Việt Nam thì những khó khăn, thách thức đó là không thể tránh khỏi.

Di sản tư liệu hình ảnh động góp phần quảng bá du lịch Việt Nam.

Từ cuối năm 2005, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Viện lựa chọn định dạng băng Betacam số để tiến hành số hóa. Tập trung tối đa công suất in chuyển phim, đến cuối năm 2012, có 10.000 cuốn phim đã được số hóa sang băng Betacam, hoàn thành khoảng nửa tổng khối lượng công việc cần thực hiện. Tuy vậy, ngay tại thời điểm đó, thông tin từ Sony Việt Nam cho biết, hãng này đã ngừng sản suất đầu từ và đầu ghi băng Betacam số từ năm 2009. Điều đó có nghĩa là vòng đời của định dạng băng nói trên đã đi đến hồi kết…

Năm 2015, Viện được trang bị hệ thống máy cho phép quét phim sang file số độ phân giải tối đa 2K. Sau khi số hóa, Viện buộc phải lưu trữ song song trên ổ cứng (HDD) rời và băng LTO 6 (sau này là LTO 7). Việc sử dụng các ổ cứng rời để lưu trữ dữ liệu là rất mạo hiểm. Các ổ cứng có thể hỏng bất kỳ lúc nào, gây mất dữ liệu và có nguy cơ phải tiến hành số hóa lại từ bản phim nhựa. Trong khi đó, với băng LTO, chúng ta có thể khai thác trong tối đa từ 5 năm đến 7,5 năm rưỡi, sau đó bắt buộc phải sao chép dữ liệu của chúng sang các thế hệ băng mới hơn, trước khi không thể sử dụng được nữa do không có thiết bị đọc được chúng. Chưa kể, hiện tại, Viện đang phấn đấu để có máy quét phim độ phân giải tối đa 4K nhằm tăng tốc và nâng cao chất lượng công tác số hóa phim lưu trữ. Khi đó, công tác số hóa của chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, bao gồm cả việc số hóa lại các phim đã được quét 2K…

Bà Nguyễn Hương Giang, Phó Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản, Bảo tàng Hồ Chí Minh, kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị nhưng việc bảo quản không hề đơn giản.

Bên cạnh việc lưu trữ theo phương pháp truyền thống, Bảo tàng tiến hành số hóa phim âm bản, tức là chuyển các thông tin hình ảnh từ hình thức lưu trữ thông thường trước đây sang dạng ứng dụng số - các tệp tin dưới dạng số hóa. Nhờ có giải pháp số hóa, thông tin hình ảnh của khối lượng lớn phim âm bản có thể được lưu trữ trong những bộ nhớ với kích thước nhỏ, thuận tiện cho việc khai thác mà không làm ảnh hưởng đến phim gốc.

Từ năm 2014 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyển hình ảnh của 32.797 phim gốc trong kho sang định dạng số (jpg). Để quản lý, lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị hiệu quả nhất thì cần có phần mềm phù hợp. Nhưng vì cần phải có kinh phí lớn cho phần mềm này nên hiện nay, toàn bộ dữ liệu các file số của khối phim âm bản mới chỉ được thống kê theo số lưu trữ để đưa vào các ổ lưu trữ dữ liệu và phục vụ khi có yêu cầu.

Bà Nguyễn Hương Giang cũng cho rằng, việc thực hiện công tác số hóa, tư liệu hóa, có phần mềm quản lý đồng bộ và thích hợp cho khối phim là cách lưu giữ hiện đại nhất, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, công việc này cần phải có định hướng dài hơi và xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng phòng Bảo quản Tư liệu Điện ảnh, Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ Điện ảnh cũng cho biết, Trung tâm xác định, công nghệ số hóa và phục hồi hình ảnh tư liệu là một trong những biện pháp sống còn của công tác lưu trữ hình ảnh và âm thanh. Nhưng, số hóa là công việc không có điểm dừng. Một phần là do khối lượng lớn số phim cần chuyển đổi, một phần tùy thuộc vào hệ thống thiết bị. Quá trình này nằm trong kế hoạch dài hạn và luôn là một trong những mục tiêu cần thực hiện của đơn vị.
N.Nguyễn
.
.
.