Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Cũ người nhưng vẫn mới ta
- Quảng bá du lịch bằng điện ảnh: Cái bắt tay... hờ hững
- Điện ảnh với việc quảng bá hình ảnh đất nước: Cảnh đẹp cần có… phim hay
Cách đây không lâu, trong khi giới thiệu đến người Việt và các đơn vị lữ hành về du lịch tỉnh Gyeongsangbuk – Do của Hàn Quốc, đại diện của nước bạn đã đặt câu hỏi về những điểm hấp dẫn, thú vị của địa phương. Hầu hết khách tham gia đều lắc đầu. Nhưng hỏi đến phim “Nàng Dae Jang Geum” (Nàng Đê – Chang Kưm” – bộ phim truyền hình cổ trang nổi tiếng, từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ Việt Nam thì gần như tất cả đều gật đầu. Đại diện đơn vị giới thiệu du lịch của tỉnh cho biết, Gyeongsangbuk – Do chính là địa phương được chọn làm bối cảnh cho phim, lập tức, câu chuyện trở nên dễ dàng và thu hút hơn.
Thực tế, ngay Hàn Quốc cũng thừa nhận, Gyeongsangbuk – Do là điểm đến mới với đa số du khách Việt Nam và việc chọn quảng bá du lịch địa phương tiến hành muộn hơn so với các thủ đô, đô thị trung tâm của Hàn Quốc là vì du lịch xứ sở kim chi tiên liệu rằng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc cần thêm điểm đến du lịch mới hơn ngoài các địa phương đã trở thành truyền thống. Tại Gyeongsangbuk – Do có khá nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn và địa điểm được chọn để quay phim chỉ là một trong số các điểm đến được quảng bá tại địa phương. Tuy nhiên, chính yếu tố này mới là đòn bẩy tạo sự chú ý ban đầu cho hành trình quảng bá du lịch.
Câu chuyện mượn điện ảnh để quảng bá du lịch quốc gia, các địa phương trong mỗi quốc gia đã rất cũ và đến nay vẫn rất hiệu quả. Nói theo cách của ông YUN Ha, giám đốc, nhóm phát triển dự án mới thuộc Ủy ban chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc thì với Hàn Quốc, đây đã là chuyện không có gì cần bàn luận thêm.
Với Trung Quốc, Nhật Bản, nếu không có điện ảnh, không có những phim bom tấn, các chuỗi phim truyền hình ăn khách, có lẽ sẽ không nhiều người biết đến lịch sử Trung Quốc với Vạn Lý Trường Thành và vô số các điểm du lịch khác. Người dân càng khó biết đến một Nhật Bản với khá nhiều di tích, một Nhật Bản khắc nghiệt về thiên nhiên nhưng rực rỡ, lộng lẫy mỗi mùa anh đào nở rộ. Phần nhiều, những hiểu biết ấy, với số đông, cũng là nhờ điện ảnh.
Những thắng cảnh “đẹp như mơ” của Việt Nam góp phần tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm điện ảnh nếu được khai thác tốt. |
Tại Việt Nam, chỉ một vài năm gần đây, câu chuyện quảng bá du lịch qua điện ảnh mới được đề cập. Và, cũng chỉ thật gần đây, những cảnh quay đẹp như mơ của Đà Lạt, Bình Thuận, Huế, Ninh Bình… trong phim chiếu rạp và phim truyền hình mới được giới thiệu thấp thoáng đâu đó ở một vài địa chỉ trên mạng internet của một số đơn vị, nhóm làm lữ hành. Đây thực sự là cánh cửa bị bỏ ngỏ rất đáng tiếc.
Về vấn đề này, giám đốc công ty du lịch VidoTour, ông Nguyễn Thiên Phú cũng khẳng định việc “bắt tay” giữa điện ảnh với du lịch Việt là câu chuyện còn nhiều lấn cấn. Là người làm du lịch lâu năm, đi nhiều vùng miền trên đất nước, ông và các đồng nghiệp đều nhận thấy Việt Nam còn rất nhiều những tiềm năng du lịch cần đánh thức và cũng rất hữu ích cho điện ảnh.
Hiểu được tầm quan trọng của điện ảnh với du lịch nên khi được mời cộng tác, ông không ngại cùng đoàn làm phim lặn lội kiếm tìm cảnh quay đẹp trên những vùng miền mà ông biết. Hình ảnh ngôi nhà gỗ và triền hoa cải vàng rực trong phim “Chuyện của Pao” là một trong những hành trình hợp tác ấy. Kết quả, qua kênh “tuyên truyền” không nhiều chủ đích của ê kíp làm phim, người du lịch, đặc biệt là khá nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến vùng Tây Bắc chỉ để tìm kiếm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà và cánh đồng hoa cải như thế.
Ông cũng được khá nhiều du khách tìm đến các thắng cảnh Việt Nam khác chia sẻ rằng họ biết đến các địa danh này là qua điện ảnh. Chỉ có điều, phim họ xem đều là những phim nổi tiếng và do người nước ngoài thực hiện là chính: “Đông Dương”, “Người tình”, “Điện Biên Phủ”…
Quảng bá du lịch qua điện ảnh cũng không nhất thiết chỉ là du lịch thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh. Với một đất nước mà những câu chuyện lịch sử có thể “kể” bằng phim rất hấp dẫn như Việt Nam thì vai trò quan trọng của điện ảnh trong việc tạo sự thu hút để du khách đến khám phá văn hóa, ẩm thực, di tích lịch sử Việt cũng là câu chuyện không cần bàn cãi thêm. Nhưng, trước khi thành hiện thực, điện ảnh Việt cũng cần tự “nâng cấp”, đặc biệt là quan niệm về phim lịch sử Việt cũng cần nhiều sự cởi mở thông thoáng hơn. Theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thì đó không nhất thiết phải là phim lịch sử về kháng chiến, chiến tranh mà còn là về rất nhiều triều đại xa xưa hơn và đây cũng chính là một trong những “mỏ vàng” cho điện ảnh Việt. Nhưng, để khai thác cho được “mỏ vàng” này và thêm điểm cộng cho việc quảng bá du lịch qua điện ảnh thì chính bản thân điện ảnh Việt cũng cần thoát khỏi cách làm phim nhiều sáo mòn xưa nay.
Nếu là phim chính sử thì có thể 7 thực, 3 hư, phim dã sử thường là 5 thực, 5 hư và phim cổ trang thì có thể lên đến 8 phần là hư cấu… Khai thác cho được khía cạnh này, chỉ với Thủ đô Hà Nội, với Hoa Lư, Ninh Bình, cố đô Huế trầm mặc hiện nay, điện ảnh có vô vàn cơ hội để khai thác và du lịch các địa phương theo đó mà được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn. Tất nhiên, điện ảnh, cụ thể là từng tác phẩm cũng cần được đầu tư nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn và bắt buộc phải có chất lượng cao hơn mới mong đủ sức tạo sức hấp dẫn cho du khách đến từng địa điểm, địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung…