Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Thứ Hai, 10/05/2021, 07:49
Câu lạc bộ văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà (Tuyên Quang) có 21 thành viên, đều là những người tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao, mỗi người đều có hiểu biết nhất định về văn hóa dân tộc Dao: Người biết chữ Nôm - Dao, người biết hát Páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người biết thêu thùa, chấm sáp ong lên vải để tạo hoa văn...

Dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng hơn 100 nghìn người, với văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự chủ động, tích cực của cộng đồng người Dao, công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được triển khai sâu rộng, nhiều Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao được thành lập… qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao trên địa bàn tỉnh.

Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực trong bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm về xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa - nơi đã thành lập được câu lạc bộ để gìn giữ văn hóa dân tộc Dao. 

Anh Bàn Văn Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà cho biết: Bố anh là người rất am hiểu về văn hóa dân tộc Dao. Từ nhỏ, anh đã được bố truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Dao có những nét văn hóa rất đặc sắc nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Số người Dao trên địa bàn xã biết hát Páo dung, biết thêu, biết chữ Nôm - Dao… ngày càng ít. Do đó, năm 2020, anh đã báo cáo, xin phép chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà. 

Câu lạc bộ hiện có 21 thành viên, với độ tuổi từ 32 – 65 tuổi. Đây đều là những người tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn xã, mỗi người đều có hiểu biết nhất định về văn hóa dân tộc Dao: Người biết chữ Nôm - Dao, người biết hát Páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người biết thêu thùa, chấm sáp ong lên vải để tạo hoa văn...

Câu lạc bộ thường tổ chức sinh hoạt cố định 1 tuần/lần hoặc những lúc nông nhàn khi đã xong việc đồng áng, mọi người lại hẹn nhau để cùng học hát, học múa, học chữ, học thêu… Người biết nhiều sẽ hướng dẫn, chia sẻ cho người biết ít hơn. Sau đó, mỗi thành viên trong Câu lạc bộ sẽ tiếp tục truyền dạy lại cho người thân, con, cháu mình. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn thường xuyên mời các đội văn nghệ, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang)… về xã để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Bà Hoàng Thị Tâm, thôn Lang Chua, thành viên Câu lạc bộ văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà chia sẻ, thế hệ trẻ người Dao hiện nay biết thêu thùa, chấm sáp ong lên vải tạo hoa văn cho trang phục rất ít. Vì vậy, nếu không kịp thời truyền dạy, nét văn hóa này sẽ bị mai một. Tham gia vào câu lạc bộ, bà và các thành viên nữ cùng nhau chia sẻ cách thêu thùa, cách chấm hoa văn, được học hát, học múa… Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức để dạy lại cho con, cháu mình. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm nên mọi người đã xích lại gần nhau hơn và thêm yêu quý tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình...

Tuyên Quang là tỉnh duy nhất trong cả nước có đầy đủ 9 ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần trắng, Dao Áo dài, Dao Thanh y, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Ô gang, Dao Quần chẹt. Dân tộc Dao có kho tàng văn hóa rất đa dạng, phong phú. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, trong số hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, dân tộc Dao có tới 133 di sản. Trong đó, Lễ cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, tỉnh đã triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn. 

Tỉnh chỉ đạo Bảo tàng tỉnh sưu tầm các hiện vật văn hóa của người Dao để trưng bày, quảng bá; tổ chức các hoạt động cho học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế về Lễ cấp sắc; thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao…; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa vùng, miền. Đồng thời, tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân tộc Dao ở cơ sở…

Vũ Quang
.
.
.