Nhiều hoạt động đặc biệt dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
- Lần đầu tiên tổ chức "Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng"
- Khi di sản văn hóa truyền thống bị xâm phạm
- Ra mắt "Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa công cộng"
Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”chính thức được đưa vào phục vụ khách tham quan. Tái hiện một phần ký ức miền Bắc trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964 – 1972), trưng bày bao gồm 2 phần: “Giữ vững biển trời” và “Nối hai bờ đại dương”.
Góc trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. |
Nhiều tư liệu, hình ảnh đặc biệt về những “sứ giả hòa bình” được trưng bày trong dịp này: Thượng nghị sĩ John Sidney McCain (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 - 1973), người giành nhiều nỗ lực để hàn gắn quan hệ hai nước sau chiến tranh; Ngoại trưởng John Kerry, người từng tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 1968 nhưng sau này cũng là người tham gia quyết liệt vào phong trào phản chiến cũng như thúc đẩy bình thường hoá quan hệ hai nước; Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam - Douglas Brian Peterson (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 – 1973; ông Bobby Muller - Người sáng lập Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVA)… Nhiều tài liệu, hiện vật gợi nhớ đến ký ức trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, hiện vật liên quan đến các phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Nhà lao Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng dịp này.
Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam và SEN Heritage khai mạc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”.
Di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý được SEN Heritage tái lập bằng công nghệ thực tế ảo. |
Cùng với việc giới thiệu về giả thuyết mô phỏng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo, Ban tổ chức còn trưng bày các ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc Một Cột thời Nguyễn, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (1094), Bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long, tranh 3D, phim 3D, sản phẩm VR3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc một cột và chùa Diên Hựu thời Lý.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ngày 26/11, tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam sẽ diễn ra tọa đàm “Thảo luận về hình thái một cột và mandala kiến trúc thời Lý”.
Tại khu phố cổ Hà Nội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật liên tục được tổ chức và kéo dài đến tháng 12/2020. Trong đó, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội – 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có trình diễn thời trang chủ đề “Chuyện phố”, triển lãm “Việt Thiền Thi – Ngàn năm văn vật”. Tại Ngôi Nhà Di sản 87 Mã Mây có chương trình giới thiệu văn hóa trà “San Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang - Hội nhập và phát triển”…