Nhiều bất cập trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa Việt Nam
Ngày 6-9, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại”.
Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, điện ảnh, thiết kế đồ họa, thời trang…
Các đại biểu tại Hội thảo. |
Các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận, phân tích thực trạng việc ứng dụng các biểu tượng văn hóa thể hiện bản sắc Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật cũng như sản phẩm truyền thông, quảng cáo. Bên cạnh nhiều công trình, tác phẩm tâm huyết, thể hiện được “căn cước” văn hóa của đất nước thông qua hệ thống các biểu tượng truyền thống như đình làng, bến nước, cây đa, trống đồng, chim hạc… thì không ít sản phẩm văn hóa trở nên phản cảm vì sử dụng tùy tiện các biểu tượng lai căng. Chẳng hạn nhiều nơi vẫn lầm lẫn giữa con nghê và sư tử trưng bày hai bên cổng, hoặc sử dụng hình tượng con rồng của nước khác chứ không phải rồng thuần Việt…
Hoa sen - một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. |
Theo nhiều đại biểu, chuyên ngành nghiên cứu về biểu tượng cần được chú trọng đẩy mạnh, làm nền tảng vững chắc cho các nhà khoa học, các nghệ sĩ và nhà thiết kế xây dựng nên những biểu tượng định vị được nền văn hóa Việt Nam, đồng thời đó cũng là thước đo chuẩn giúp công chúng sử dụng phù hợp các biểu tượng.