Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ra mắt đồng loạt 13 cuốn sách

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:47
Ngày 15-6, trong sự chia vui của đông đảo văn nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhà thơ, nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã chính thức ra mắt bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc đến 13 cuốn sách.

Đây là gần như toàn bộ số văn xuôi của ông trong 27 năm cầm bút viết phê bình âm nhạc, viết báo, đặc biệt là viết về các tài danh của Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, có lẽ, buổi ra mắt sách này là sự kiện nghệ thuật đặc biệt nhất trong đời của ông. Nhưng, với “làng sách” Việt, đây cũng là một trong số các sự kiện nổi bật nhất trong vài năm gần đây.

Bởi lẽ, hiếm có buổi ra mắt sách nào lại được tổ chức rầm rộ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ như thế. Không ít khách mời là những nhạc sĩ đã nổi tiếng của nhiều thế hệ như nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Ký, Hồng Đăng…

Những tập sách về chân dung nhiều tài danh Việt Nam do Nguyễn Thụy Kha viết được trưng bày tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Được giới thiệu đến công chúng lần này có 13 cuốn sách thì 9 cuốn là chân dung về 9 tài danh của Việt Nam: nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Hàn Mặc Tử,  Nguyễn Văn Huyên, Huy Du, Nguyễn Thiện Đạo. 3 cuốn sách khác: “Thuở bình minh Tân nhạc”, “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời đạn bom”, “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời hòa bình” là những công trình về lịch sử âm nhạc Việt Nam mà nhạc sĩ Thụy Kha dốc rất nhiều tâm sức.

Cuốn “Lời quê góp nhặt” là những lát cắt khác về rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc.

Chia sẻ về hành trình làm nên 13 cuốn sách đặc biệt nói trên, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết, mãi đến năm 1990, khi kết thúc đời sống quân ngũ, ông mới chọn con đường cầm bút viết phê bình chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết, sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là những bậc đàn anh, những người đã đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ ông những thời khắc khó khăn nhất của cuộc sống, sự đón nhận của xã hội với “những đứa con tinh thần” của ông là động lực rất lớn để tiếp tục công việc.

Ngoài viết phê bình, viết báo, những năm qua, ông đã kịp “tích cóp” cho mình khoảng 14 tập thơ. Đây sẽ là một góc khác rất đặc biệt mà Nguyễn Thụy Kha mong muốn được trở lại với bạn đọc trong những dịp khác nữa….

N.Nguyễn
.
.
.