Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi sống được bằng nghề viết văn
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn viết về tuổi mới lớn được hâm mộ nhất hiện nay. Sách của anh "ra lò" luôn được bán với số lượng hàng chục ngàn bản và độc giả nhỏ tuổi khắp các vùng miền luôn phải sắp hàng để xin chữ ký của nhà văn mình hâm mộ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định, anh là nhà văn sống "dư giả" bằng nghề viết của mình. Nhân dịp nhà văn ra cuốn sách mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh!
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
- Thưa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "Ngày xưa có một chuyện tình" là cuốn sách mới ra mắt độc giả Hà Nội vào sáng chủ nhật 18-9, tại phố sách Đinh Lễ (Hà Nội). Hẳn đây cũng sẽ là một phong cách truyện mang tên Nguyễn Nhật Ánh. Anh có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách này?
- Tôi viết cuốn sách này trong vòng 6 tháng. Thực ra nếu tính từ lúc viết dòng đầu tiên thì có lẽ lâu hơn. Vì đây là tác phẩm có cấu trúc không giống các cuốn sách trước đây của tôi nên có lúc tôi phải dừng lại để ngẫm nghĩ. Và trong khi tạm dừng, tôi chuyển qua viết cuốn “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” để nuôi dưỡng cảm hứng.
Sau khi hoàn thành cuốn “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, tôi mới quay lại viết tiếp cuốn “Ngày xưa có một chuyện tình”. Hồi tôi viết bộ truyện “Chuyện xứ Lang Biang” cũng vậy. Vì đây là bộ truyện pháp thuật có nhiều tình tiết lắt léo đan xen nhau nên đầu óc tôi rất căng thẳng khi phải bám sát và kiểm soát các diễn biến. Đây lại là bộ truyện 4 tập rất dày, khi in thành sách đã lên đến 3.000 trang.
Trong quá trình viết bộ “Chuyện xứ Lang Biang”, để thư giãn tôi nghĩ ra cách viết cuốn “Tôi là Bêtô” trong những lúc giải lao. Những trang “Tôi là Bêtô” với nhịp điệu chậm rãi giúp đầu óc tôi dịu lại, giúp tôi “hồi sức” để viết tiếp “Chuyện xứ Lang Biang”.
Tôi viết “Tôi là Bêtô” nhẩn nha giữa những trang viết “Chuyện xứ Lang Biang”, vậy mà cuốn “Tôi là Bêtô” lại hoàn thành trước, mặc dù nó được in sau.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả nhỏ tuổi. |
- Vậy thông điệp mà anh muốn gửi gắm qua tác phẩm mới này là gì, thưa nhà văn?
- Tôi gửi gắm trong tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” nhiều thông điệp khác nhau, khó có thể kể hết ra đây. Nhưng tựu trung, điểm nổi bật nhất là những suy nghĩ về tình yêu và tình bạn. Đó cũng là những vấn đề mà tôi nghĩ tuổi trẻ ở bất cứ thời nào cũng phải đối diện.
- Và liệu trong câu chuyện tình ấy, có chút nào của chuyện tình tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh được "mã hóa" để làm nên một cuốn sách dày dặn như thế?
- Chuyện tình trong truyện không phải là chuyện của tôi, nhưng những nhân vật và những tình huống trong truyện đều thấp thoáng hình bóng những nguyên mẫu mà tôi còn nhớ được khi hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ ở một thị trấn nhỏ bé.
- Thú thực mà nói, đến bây giờ tôi vẫn đang luôn tự hỏi rằng, làm sao nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn đã ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, song lại luôn có một sức hút mạnh mẽ trong từng trang viết đối với lứa tuổi học trò.
Khi viết các tác phẩm của mình, anh đã làm cách nào để có thể trường vốn về tuổi "quỷ ma" đến thế?
- Tôi từng rút ra kết luận từ kinh nghiệm bản thân “Cảm hứng của nhà văn đến từ ba nguồn: ký ức, óc quan sát và trí tưởng tượng”. Với một nhà văn chuyên viết về tuổi thơ như tôi, sự huy động ký ức đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mặc dù trên thực tế cả ba yếu tố đó hòa quyện, bổ sung cho nhau chặt chẽ đến mức khó tách bạch ra được.
- Thực tế cho thấy, tác giả dành cho văn học tuổi học trò bây giờ không nhiều và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một biểu tượng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhiều cô cậu mê sách thần tượng anh không khác gì hình ảnh của những người trong giới showbiz.
Bản thân anh, lúc khởi nghiệp viết văn, anh có bao giờ tự chọn cho mình một dòng văn học để theo đuổi hay không, hay là anh đến với nó như là duyên phận? Anh còn nhớ cái truyện ngắn đầu tiên anh viết cho học trò là truyện nào không?
- Tôi viết về đề tài tuổi thơ có lẽ là do cái duyên. Lúc mới cầm bút, tôi viết nhiều đề tài, nhưng rốt lại viết về tuổi thơ là hợp với tôi nhất. Có lẽ do tôi xa quê từ bé, không nguôi nhớ về thời tuổi nhỏ của mình nên hễ chạm đến đề tài này là cảm xúc tự nhiên kéo về.
- Anh có thể chia sẻ về cuộc sống hiện tại của anh. Công việc viết văn có nuôi sống anh và gia đình?
- Hiện nay tôi vẫn viết mỗi ngày. Tôi cố sắp xếp công việc để có thể ngồi viết vào buổi sáng, vì đó là thời khắc tôi cảm thấy đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe khoắn nhất. Đó là thói quen tôi đã có từ 30 năm nay. Ngày nào không viết tôi cảm thấy ngày đó mình chưa sống đủ.
Tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích. Tôi viết văn không phải để kiếm tiền và tôi nghĩ các nhà văn khác cũng vậy. Họ viết vì họ yêu thích, đam mê văn chương, họ tìm thấy niềm vui sống trong việc sáng tác, chứ nếu vì mục đích kiếm tiền chắc chắn họ sẽ chọn nghề khác.
Tiền bạc với nghề văn, nếu có, chỉ là cái đến sau. Hiện nay có lẽ tôi là một trong số những nhà văn sống được bằng nhuận bút và tôi xem đó là may mắn của đời mình, vì nếu tôi kiếm được nhiều tiền nhưng không phải bằng cái nghề mình yêu thích từ bé như nghề văn thì niềm vui của tôi sẽ không trọn vẹn.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh!