Ngư dân Đà Nẵng háo hức vươn khơi đón lộc biển tại lễ hội Cầu ngư

Thứ Bảy, 03/03/2018, 17:19
Đối với ngư dân miền Trung lễ hội cầu ngư có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông đã có từ xa xưa. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Ngày 3-3 (ngày 16 tháng giêng âm lịch), tại bãi biển quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã diễn ra lễ cầu ngư với các nghi lễ truyền thống và nhiều trò chơi mang đậm nét văn hóa của người dân vùng biển. Lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia của rất đông ngư dân Đà Nẵng và du khách.

Lễ tế âm linh trên biển và ca ngợi công đức của cá Ông.
Đội rước trog lễ Nghinh Ông

Được biết, đến hẹn lại lên, hàng năm vào trung tuần tháng giêng Âm lịch,  đông đảo người dân TP. Đà Nẵng lại nô nức khai hội lễ cầu ngư cầu cho một năm đánh bắt bội thu, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái dân an.

Đây cũng là dịp để người dân vùng biển hòa trong không khí lễ hội với các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.

Cầu cho một mùa đánh bắt thắng lợi.
Các lãnh đạo và thành viên ban tổ chức dâng hương biển bày tỏ lòng thành kính cầu mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt thắng lợi, no đủ.

Phần lễ được mở đầu với Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển bày tỏ lòng thành kính cầu mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt thắng lợi, no đủ. Phần hội với các trò chơi, phần thi văn hóa văn nghệ và thể thao thể hiện sự đoàn kết giữa các vạn chài, những người sát cánh bên nhau khi lênh đênh trên biển cả…

Tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở những phường ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... 

Toàn cảnh của phần làm lễ tại lễ hội cầu ngư
Ngay sau lễ hội cầu ngư, hàng trăm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đã sẵng sàng vươn khơi đón lộc biển đầu năm.

Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Hoài Thu
.
.
.