Mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận di sản tư liệu thế giới

Chủ Nhật, 30/12/2018, 08:59
Chiều ngày 28-12, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, năm 2019, các khối di sản tư liệu, trong đó có 2 khối di sản tư liệu di sản thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn sẽ tiếp tục được khai thác, phục vụ rộng rãi công chúng ở trong và ngoài nước.

Đây là một trong những nỗ lực của Cục nhằm phát huy giá trị của các khối di sản tư liệu đang được bảo quản, lưu giữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

Cũng theo ông Tùng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước hiện có 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia, đang bảo quản hơn 30km giá tài liệu. Đây là các tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức Trung ương thuộc các chế độ khác nhau và các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử. Những tài liệu còn lưu giữ được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng, có giá trị đặc biệt, thiết thực, có thể phát huy được giá trị trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, ngoại giao…

Khối di sản tư liệu quốc gia sẽ được giới thiệu rộng rãi đến người dân trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong đó, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được Unesco công nhận là tư liệu di sản thế giới năm 2009. Khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2017. Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 – 1946 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là khối tài liệu lớn, được coi là một trong những nguồn dữ liệu quá khứ khổng lồ, di sản tri thức quý báu của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Tuy nhiên, thay vì chủ yếu tập trung phục vụ các nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên  môn liên quan, để các khối di sản tư liệu quý thực sự phát huy trong đời sống xã hội, năm 2019, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ phối hợp với lưu trữ nhiều quốc gia, các Bộ, Ban, ngành và tỉnh thành trên cả nước tổ chức rất nhiều sự kiện nhằm đưa di sản đến với công chúng.

Tiêu biểu trong đó là triển lãm “Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa thế giới” do Cục phối hợp với cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Lưu trữ Bộ Quốc Phòng Pháp, Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự phối hợp của cơ quan lưu trữ 4 quốc gia, triển lãm sẽ giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách khách quan nhất. Dự kiến, sau khi triển lãm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hình ảnh, hiện vật, tư liệu sẽ đươc trưng bày tại Trụ sở Unesco tại Paris (Pháp).

“Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng” do Cục phối hợp với Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên sẽ cung cấp rộng rãi đến công chúng rất nhiều tài liệu quý, đặc biệt là tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử được Bộ Quốc phòng Pháp giải mật năm 2019. Lịch sử đất nước, những công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong dựng nước và giữ nước cho đến lịch sử hình thành của các địa phương thể hiện qua tài liệu lưu trữ cũng sẽ được giới thiệu cụ thể, sinh động hơn qua rất nhiều đợt trưng bày.

N.Nguyễn
.
.
.