“Ly rượu trần gian” – tác phẩm cuối cùng cố nhà thơ Phan Vũ
Ngày 26-7, cuốn tạp văn “Ly rượu trần gian” của cố thi sĩ Phan Vũ chính thức được phát hành trên toàn quốc, sau hơn một tuần ông qua đời tại TP Hồ Chí Minh.
- Nhà thơ Phan Vũ: Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…
- Nhà thơ Phan Vũ: Ra đi, vẫn đau đáu... “em ơi, Hà Nội phố”
“Đại lão thi sĩ, họa sĩ” Phan Vũ – theo cách gọi của nhà phê bình Nguyễn Quân, thường được nói tới như một nhà thơ nổi tiếng với trường ca bất hủ “Em ơi! Hà Nội phố”, hay một nghệ sĩ trong lĩnh vực hội họa từ những năm 90 trở lại đây. It ai biết rằng tác giả tập thơ “Ta còn em” còn có những tác phẩm văn xuôi thuộc nhiều thể loại chưa được nhiều người đọc biết đến.
Tản văn Ly rượu trần gian. |
Tri ân nhà thơ Phan Vũ cùng những cống hiến không ngừng nghỉ của ông cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam giới thiệu tới độc giả tập tản văn “Ly rượu trần gian”. Tản văn tập hợp những bài viết mà ông đã đăng trên một số báo, tạp chí cùng những bản thảo viết tay chưa từng được công bố.
Nếu như ở thơ, Phan Vũ không đi sâu khai thác con chữ mà tập trung vào tính tự sự, mạnh về hình ảnh và cảm xúc thì ở văn xuôi, ông gửi gắm những câu chuyện bình dị. Đó là câu chuyện về những người bạn cùng thời đã trải qua một thời khốn khó, bất hạnh; những bóng hồng đã từng gắn bó với Phan Vũ; hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông ở nhiều lĩnh vực như sân khấu, điện ảnh, thơ ca, hội họa...
Nhà thơ Phan Vũ. |
Những khắc họa chân dung cũng như những ghi chép ngắn gọn về đời sống của ông cho thấy một Phan Vũ thật khác: không chỉ là một nhà thơ, một họa sĩ mà còn là một cây bút văn xuôi giàu năng lượng. Như một điều hiển nhiên, ông dành nhiều tình cảm cho Hà Nội và kể lại nhiều chuyện buồn vui với thành phố này. Đương nhiên, không thể thiếu câu chuyện đằng sau trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” – tác phẩm làm nên tên tuổi Phan Vũ.
Bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ đa tài, Phan Vũ sáng tác văn chương với tư duy hội họa và cũng thường họa mình qua những con chữ. Đọc Phan Vũ, người ta thấy mỗi câu ông viết tựa từng nét vẽ, từng mảng màu, tất cả như hòa chung lại tạo nên một bức tự họa lớn về con đường ngót một thế kỷ ông đã đi qua. Để rồi, khi trang cuối khép lại, người ta thấy dư âm của những chất chứa, những nỗi niềm và ngẫm ngợi về cuộc đời của một nghệ sĩ lớn.