Lớp học “truyền khẩu” dân ca giữa lòng phố cổ

Thứ Sáu, 15/07/2016, 10:08
Hội An đẹp không chỉ vì phố cổ, chùa Cầu, không chỉ bởi ánh đèn lồng lấp lánh, bài chòi, hoa đăng… mà còn bởi một điều rất đặc biệt. Đó là một lớp dạy nhạc dành cho những người yêu thích các làn điệu dân ca xứ Quảng. Hằng đêm, trước văn phòng hướng dẫn tham quan phố cổ (số 106 Bạch Đằng), những làn điệu ấy lại được cất lên rất đỗi ngọt ngào, vui tươi thu hút ánh nhìn của nhiều du khách…

Ghé thăm lớp học vào một buổi tối cuối tuần, tôi cảm thấy bất ngờ và thích thú với những gì đang hiện hữu trước mắt. Hơn mười em nhỏ khoảng 7-14 tuổi đang say mê cất cao giọng hát đầy ngọt ngào, sâu lắng. Được biết, đây là một trong những hoạt động nằm trong đề án “Phố đêm” do Trung tâm VH-TT TP Hội An thực hiện. Trong đó, lĩnh vực âm nhạc bao gồm lớp dân ca và lớp hợp xướng. 

Lớp trưởng Nguyễn Doãn Minh Tâm (12 tuổi, phường Cẩm Nam) chia sẻ: “Trước đây em đã từng được nghe nói nhiều về lớp học này, rồi khi nghỉ hè thì em được mẹ dẫn đến xem. Sau đó em bắt đầu xin mẹ cho theo các thầy cô học nhạc”. 

Theo lời kể của Tâm, từ khi bắt đầu theo học ở lớp này, em được thầy cô chỉ dạy rất nhiều về các làn điệu: xàng xê, xuân nữ, hò Quảng và hò khoan. Quả thật, đến khi mình mắt thấy tai nghe thì mới thấy được các học viên ở lớp học này đúng là những “giọng vàng” của thành phố bên bờ sông Hoài sau này.

Các em nhỏ miệt mài, say đắm với từng làn điệu dân ca tại lớp học ở phố cổ Hội An.

Có một điều đặc biệt ở lớp dạy nhạc dân ca phố Hội đó chính là phạm vi đối tượng không bị hạn chế. Bất kỳ ai yêu thích loại hình âm nhạc này đều có thể ghé thăm và thử sức với những làn điệu thú vị tại đây. 

Chị Trần Thị Thu Ly, giáo viên dạy hát, cho biết: Kể từ khi được mở vào năm 2009, đến nay lớp học đã thu hút được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là các em nhỏ. Bắt đầu từ 7h – 9h tối các ngày trong tuần, lớp chia làm 2 nhóm và bắt đầu cho các em học hát và chép lời. Không dừng lại đó, vào năm học thì Trung tâm VH-TT cũng phối hợp với Phòng Giáo dục TP Hội An dạy hát dân ca cho các em học sinh cấp II với thời lượng 2 tiết/tuần. Cứ thế, mỗi năm lại có hai trường học được lựa chọn làm địa điểm để cho các em được tiếp cận với loại hình này.

Với 4 giáo viên dạy hát và 2 người chơi nhạc, mỗi đêm tại góc phố nhỏ cạnh bên chùa Cầu lại vang lên những nốt nhạc đầy tâm huyết. Có một lần ghé đến và thử ngồi xuống, học vài lời và thử hát cùng các em thì mới cảm nhận được cái tâm tình ẩn sâu trong từng câu hát, mới thấy yêu những làn điệu dân ca và quý những người đã miệt mài với công tác giảng dạy ở nơi này ròng rã suốt bảy năm trời. 

Những giá trị của các làn điệu dân ca truyền thống từ bao đời nay là không thể phủ nhận. Có lẽ vì nhịp sống hối hả và hiện đại hóa đã dần khiến cho con người ít có thời gian để chú ý nhiều đến nó. Bởi vậy, những lớp học “truyền khẩu” như thế này dường như là biện pháp tốt nhất để có thể truyền thụ được một cách rõ ràng, sâu sắc nhất những tinh hoa âm nhạc truyền thống mang lại.   

Hà Ngọc
.
.
.