Truyện Kiều lên sân khấu kịch
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cho biết, Nhà hát đã dàn dựng vở “Kiều” với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật, với mong muốn đưa khán giả tiếp cận với tác phẩm văn học một cách mới, hấp dẫn và đầy kịch tính với những điều mới lạ, hấp dẫn.
Qua đó, thu hút được khán giả đến với kịch, đặc biệt là những khán giả trẻ. Với tác phẩm kịch “ Kiều”, khán giả sẽ cảm nhận được hơi thở, cái hồn, cái thần của người nghệ sĩ trên sân khấu.
Tác phẩm kịch “Kiều” phản ánh giá trị hiện thực: Vở diễn phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ…
“Kiều” là bài ca ca ngợi vẻ đẹp: Vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người. Là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…
Cùng với đó, “Kiều” còn là câu chuyện mang tính dự báo: khi quyền lực bẩn, đồng tiền bẩn lên ngôi thì những giá trị về đạo đức, giá trị về con người sẽ bị đảo lộn.
Đạo diễn, NSND Phạm Anh Tú cho biết, vở diễn mang tính thử nghiệm khi kết hợp những hình thức hát, múa. Điểm nổi bật, mới lạ trong “Kiều” trên sân khấu kịch sẽ có phân đoạn các kỹ nữ hát ráp, bố cục sân khấu được thay đổi mới hoàn toàn, không theo mô tuýp truyền thống.
Theo đó, hoạ sĩ sẽ thay đổi trang trí bố cục sân khấu, không sử dụng phông nền, bục bệ thay vào đó là dung vẽ hoa sen, hoa sen được vẽ như thể trạng một con người có hơi thở và sức sống, với một vẻ đẹp tự nhiên như cuộc đời một con người...
Bên cạnh đó, kịch nhưng lại đưa rất nhiều múa, hát, tận dụng những thủ pháp mới mẻ, hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến với sân khấu kịch.
Hy vọng đây sẽ là tác phẩm “ bom tấn” trên sân khấu kịch, mở đầu cho việc chuyển thể những tác phẩm văn học kinh điển lên sân khấu chính kịch, hấp dẫn, lôi kéo được khán giả trẻ đến thưởng thức.
Vở kịch “ Kiều” được công diễn từ ngày 1/3- 10/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam số 1 Tràng Tiền- Hà Nội.